Gốc của vấn đề
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:51, 05/10/2011
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc, đây là chương trình có vị trí và ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội, góp phần cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Theo chương trình trên, đến năm 2015, Hà Nội sẽ phủ kín cơ bản các quy hoạch (quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch chuyên ngành...); hoàn thành các quy hoạch chi tiết trọng điểm: Trung tâm Tây Hồ Tây, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, trục không gian Cổ Loa - Hồ Tây, quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, Hồ Tây - Ba Vì, Bắc Thăng Long - Nội Bài; hoàn thành quy hoạch giãn dân phố cổ... Về chỉ tiêu xây dựng đô thị, phấn đấu mỗi phường có ít nhất 1 nhà trẻ mẫu giáo, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS công lập; xây mới diện tích nhà ở đạt 12,5 đến 15 triệu mét vuông, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23m2; nhà ở xã hội đạt 15.500 căn (tương đương khoảng 1,1 đến 1,5 triệu mét vuông); diện tích đất dành cho giao thông tăng từ 0,3-0,5% đất đô thị/năm...
Với những mục tiêu nêu trên, có thể thấy đây là một chương trình mang tính tổng thể, hết sức đồ sộ và cần thiết trong tình hình hiện nay. Tất nhiên, thông qua thảo luận, nhiều vấn đề trong chương trình trên sẽ được tiếp tục làm rõ, bên cạnh đó là việc hình thành cơ chế phối hợp giữa các ngành và chính quyền địa phương; phân cấp quản lý và quy định trách nhiệm; xây dựng cơ chế cụ thể để thực hiện... để Thủ đô có được một quy hoạch toàn diện và đầy đủ. Tại hội nghị, một số ý kiến đã thẳng thắn bày tỏ sự lo ngại về vấn đề tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, đặc biệt nhấn mạnh đến "cái gốc" của chương trình, tức con người cụ thể thực hiện quy hoạch. Lãnh đạo nhiều quận, huyện cho biết, hiện đội ngũ cán bộ cơ sở không thiếu nhưng rất thiếu người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị. Tựu trung là số lượng cán bộ ở cơ sở hiện vẫn thừa, nhưng người có năng lực làm được công việc này thì lại quá ít, thậm chí không có. Nhìn rộng ra, đây cũng là nguyên nhân của tình trạng nhiều vấn đề ở cấp cơ sở chỉ quản lý được... trên giấy, tức là quản lý hành chính đơn thuần trên giấy tờ chứ không phải trên thực tế. Do vậy, theo Bí thư Thị ủy Sơn Tây Nguyễn Quang Mạnh, cần nhanh chóng xây dựng bộ máy quản lý, đội ngũ cán bộ chuyên môn, để khi quy hoạch được phê duyệt có thể bắt tay ngay vào thực hiện.
Tại Hội nghị lần thứ sáu BCH Đảng bộ TP Hà Nội khóa XV, cùng với chương trình "Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị" còn có chương trình "Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức". Thực chất đây là chương trình giải quyết cái gốc của toàn diện các vấn đề chứ không chỉ riêng trong lĩnh vực quy hoạch. Chính vì vậy, công tác cán bộ được chọn là một trong hai khâu khâu đột phá thực hiện trong cả nhiệm kỳ Đại hội XV Đảng bộ TP Hà Nội. Hội nghị lần này đã thống nhất sẽ đào tạo 1.000 công chức nguồn để tăng cường lực lượng cán bộ chất lượng cho các địa phương. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, để giải quyết tình trạng "thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu" trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung, nhất định phải rà duyệt lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Lấy tiêu chí là các điều kiện, tiêu chuẩn theo vị trí, chức danh cùng tinh thần trách nhiệm trong công việc và thái độ ứng xử trong phục vụ nhân dân, phải gạt ra bằng được những trường hợp yếu kém về năng lực, tha hóa về phẩm chất đạo đức. Có như vậy mới giải quyết triệt để được vấn đề cải cách hành chính cũng như nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đây chính là cái gốc, là tiền đề thực hiện hiệu quả chương trình "Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị" cũng như các kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm khác của thành phố.