Đối phó “giặc lửa”, phải dựa vào dân
Đời sống - Ngày đăng : 06:27, 05/10/2011
Thống kê của Sở Cảnh sát PCCC, trung bình mỗi năm TP xảy ra hàng ngàn vụ cháy nổ lớn nhỏ, chủ yếu tại các cao ốc văn phòng và những khu dân cư đông đúc, trong số đó có khoảng 700 vụ đã kịp thời xử lý tại chỗ.
Cháy nổ tại những khu dân cư chật chội gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng PCCC nên mức độ thiệt hại luôn cao. |
Một lĩnh vực mà cơ quan PCCC cũng như chính quyền TP luôn quan tâm hàng đầu là những cao ốc, trung tâm thương mại… bởi nếu những nơi này xảy ra cháy nổ thì thiệt hại rất lớn. Nhiều người còn nhớ vụ cháy Trung tâm thương mại ITC (quận 1) hồi cuối tháng 10-2002, làm 60 người chết, gần 70 người bị thương, coi đó như là một bài học kinh nghiệm cay đắng. Cuối tháng 8-2010, một vụ cháy xảy ra tại Trung tâm thương mại Parkson (đường Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình), rất may lực lượng PCCC đã nhanh chóng khống chế, nên thiệt hại không đáng kể. Đáng chú ý là khoảng một tháng trước đó, hàng trăm người cũng tại tòa nhà này đã từng một phen chạy nháo nhào khi tầng 6 phát hỏa, may mà dập tắt được ngay. Đáng ghi nhận là vài năm trở lại đây, nhiều vụ cháy nổ tại các tòa nhà cao tầng đã nhanh chóng bị khống chế, thiệt hại không đáng kể.
Thống kê của Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, từ khi thành lập tháng 6-2005 đến nay, đơn vị này đã xử lý, cứu chữa 1.134 vụ cháy, cứu sống 97 người. 6 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn TP đã xảy ra 58 vụ cháy, làm chết 3 người và bị thương 11 người, thiệt hại về tài sản ước tính gần 26 tỷ đồng. |
Một vấn đề cần quan tâm nữa là nếu các khu dân cư tạm bợ ở các quận, huyện vùng ven mà xảy ra cháy thì hậu quả khôn lường. Thượng tá Vũ Văn Bổn - Phó trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo PCCC, Sở Cảnh sát PCCC - phân tích, mỗi khi các khu dân cư tạm bợ này bị "bà hỏa viếng thăm" cơ quan chức năng thường rất khó xoay xở, vì đường vào hiện trường là ngõ hẻm, ngóc ngách nhỏ hẹp, đến khi tiếp cận được thì đã quá muộn. Đáng nói là nếu xảy ra cháy vào giờ cao điểm thì tình trạng ách tắc giao thông cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác chữa cháy, điển hình như vụ cháy khu dân cư tạm bợ ở đường kênh Tân Hóa, phường Phú Trung, quận Tân Phú, làm 4 căn nhà cùng nhiều tài sản của người dân bị thiêu trụi hồi cuối tháng 7 vừa qua.
Phải dựa vào dân
Những năm gần đây, trước tình hình diễn biến phức tạp, Sở Cảnh sát PCCC đã tăng cường kiểm tra công tác PCCC tại hàng loạt khu chung cư cao tầng, trung tâm thương mại… trên địa bàn TP. Có đến quá nửa điểm kiểm tra vi phạm quy định về an toàn phòng, chống cháy nổ, như kết nối nguồn điện không đúng quy định, thiết bị chiếu sáng hư hỏng, lối thoát hiểm bố trí không hợp lý, sử dụng nguồn điện nguồn nhiệt ở nơi cấm lửa, thiếu trang thiết bị PCCC… Đáng nói là ngay cả Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng "có vấn đề" trong công tác phòng, chống cháy nổ, thậm chí nơi đây từng xảy ra cháy vào cuối tháng 10-2008.
Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP, cho biết, nguyên nhân cháy phần lớn do chập điện hoặc sơ suất của người dân trong việc sử dụng nguồn nhiệt, nguồn lửa… Sở Cảnh sát PCCC đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng khu dân cư, từ tháng 8-2011 đến nay đã phối hợp cùng công an các quận, huyện chuyển hóa 32 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao thành khu dân cư an toàn. Sở cũng thường xuyên tổ chức diễn tập quy mô nhằm nâng cao khả năng ứng phó, đồng thời trang bị thêm nhiều phương tiện PCCC hiện đại… Thiếu tướng Trần Triều Dương khẳng định, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra thì cán bộ, chiến sỹ lực lượng PCCC phải thực hiện nghiêm khẩu lệnh hành động "Nhận tin chính xác, huy động lực lượng lập tức đến hiện trường, triển khai phương án dập lửa hiệu quả". Tuy nhiên, để làm tốt công tác PCCC không thể chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng, mà quan trọng nhất vẫn là ý thức và tinh thần tham gia chữa cháy tại chỗ của người dân mỗi khi xảy ra sự cố.