Vươn mốc 95 tỷ USD/năm 2011
Kinh tế - Ngày đăng : 11:41, 04/10/2011
Theo đó, về nhóm hàng xuất khẩu, nhóm nông lâm thủy sản 9 tháng xuất khẩu ước đạt 14,97 tỷ USD, chiếm 21,4% trong tổng KNXK, tăng 39,6% so với cùng kỳ. Trong số 8 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu, có 2 mặt hàng là chè và nhân điều lượng xuất khẩu giảm, còn lại các mặt hàng khác lượng xuất khẩu đều tăng, trong đó tăng cao nhất có mặt hàng sắn xuất khẩu tăng 46,2%. Các mặt hàng xuất khẩu của nhóm đều có giá xuất khẩu tăng, đặc biệt có nhiều mặt hàng KNXK tăng cao như: hạt tiêu tăng 93,8%, sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 87,7%, cà phê tăng 63,9%, cao su tăng 59,8%...
Giá xuất khẩu tăng cao đã đóng góp hơn 2,5 tỷ USD vào sự gia tăng KNXK của nhóm, lượng xuất khẩu của một số mặt hàng tăng cũng đã đóng góp thêm khoảng 659 triệu USD. Tính chung do tăng giá và lượng xuất khẩu, nhóm hàng này đã đóng góp hơn 3,1 tỷ USD vào gia tăng KNXK chung của cả nước.
Chế biến hạt điều xuất khẩu.
Bên cạnh đó, với nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 8,38 tỷ USD, chiếm gần 12% trong tổng KNXK, tăng 45,3% so với cùng kỳ. Trong số 4 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của nhóm chỉ có than đá lượng xuất khẩu giảm 13,7%, còn lại các mặt hàng khác lượng xuất khẩu đều tăng.
Các mặt hàng xuất khẩu của nhóm đều có giá xuất khẩu tăng, trong đó giá dầu thô tăng cao là nhân tố chính góp phần vào gia tăng KNXK của nhóm. Giá xuất khẩu tăng đã làm KNXK của nhóm tăng hơn 2,4 tỷ USD, lượng xuất khẩu tăng đóng góp thêm khoảng 176 triệu USD. Tính chung do tăng giá và tăng lượng của nhóm hàng này đã đóng góp hơn 2,6 tỷ USD vào gia tăng KNXK chung.
Mặt khác, với nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 40,9 tỷ USD, chiếm 58,4% trong tổng KNXK, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhóm hàng này có tốc độ xuất khẩu tăng thấp hơn 2 nhóm hàng nông lâm, thuỷ sản, nhiên liệu và khoáng sản nhưng tốc độ tăng cũng ở mức cao và là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng KNXK. Trong đó, một số mặt hàng chủ lực có quy mô và tốc độ tăng trưởng cao là dệt may, tăng 31,1%, giầy dép tăng 30,8%, sắt thép các loại tăng 64,6%, đặc biệt đóng góp vào tăng trưởng của nhóm có sự đóng góp của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện với tốc độ tăng gấp 3 lần và trị giá gần 4 tỷ USD.
Đáng chú ý trong 9 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu tăng trên tất cả các thị trường, trong đó có 2 thị trường có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng xuất khẩu chung của cả nước đó thị trường Châu Phi và Châu Á. Thị trường Châu Phi ước xuất khẩu tăng gấp 2,6 lần, thị trường Châu Á ước tăng 42%.
Xuất khẩu sang thị trường Châu Phi tăng cao chủ yếu do xuất khẩu vàng sang Nam Phi tăng gấp 4 lần, ngoài ra một số thị trường khác ở khu vực này như Ai Cập, Angiêri, Xênaga, Bờ Biển Ngà đều có mức tăng trưởng cao trên 40%. Xuất khẩu sang thị trường Châu Á tăng chủ yếu tập trung ở các nước khu vực Đông Á, mặt hàng xuất khẩu sang các nước này chủ yếu là dệt may, thủy sản... Xuất khẩu sang thị trường Châu Âu tăng cao ở các nước thuộc EU 27 do sự gia tăng chủ yếu của những mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, da giầy, đồ gỗ, linh kiện điện tử...; Thị trường Châu Mỹ và Châu Đại Dương tăng trưởng thấp hơn mức tăng bình quân của cả nước nguyên nhân do cuộc do kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn nên nhu cầu tiêu dùng giảm, thị trường Châu Đại Dương chủ yếu vẫn là do xuất khẩu lượng dầu thô sang thị trường này giảm.
Nhìn chung, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam 9 tháng năm 2011 khá tích cực, tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu (xuất khẩu tăng 35,4%, nhập khẩu tăng 26,9%). Cán cân thương mại nhờ đó đã được cải thiện, nhập siêu chiếm khoảng 9,8% KNXK, thấp hơn mức kế hoạch của Chính phủ (là 16% KNXK). Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là do hầu hết giá các mặt hàng nông sản, nhiên liệu và khoáng sản đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái (do tăng giá các mặt hàng này đã đóng góp 4,94 tỷ USD vào gia tăng KNXK).
Khối các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong việc tạo giá trị xuất khẩu, tỷ trọng xuất khẩu FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng, trong đó xuất hiện thêm mặt hàng mới của khối có quy mô và tốc độ tăng trưởng cao là mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đã đóng góp thêm khoảng hơn 2,6 tỷ USD vào mức tăng kim ngạch xuất khẩu.
Bộ Công thương dự báo, nhập khẩu trong những tháng cuối năm thường tăng cao, vì vậy, vẫn cần tiếp tục phải kiểm soát chặt chẽ, đồng thời khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu. Với mục tiêu kế hoạch KNXK tăng 10% thì cả năm phải đạt 79,4 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm đã đạt 70 tỷ USD và như vậy 3 tháng cuối chỉ cần mỗi tháng đạt hơn 3 tỷ USD là nước ta đã hoàn thành kế hoạch. Trên thực tế, tình hình xuất khẩu vẫn có xu tăng, theo thống kê của những năm gần đây KNXK Việt Nam thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm, nếu không có yếu tố đột biến khả năng xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 95 tỷ USD.