Loay hoay chống đỡ

Kinh tế - Ngày đăng : 07:29, 04/10/2011

(HNM) - Hoạt động sản xuất công nghiệp (SXCN) - giá đỡ chủ đạo và là nguồn tạo ra sức tăng trưởng của nền kinh tế đã đi qua 3/4 chặng đường kế hoạch năm 2011, vượt qua nhiều thách thức và đạt những kết quả khả quan.

SXCN 9 tháng qua đạt mức tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tạm chấp nhận được trong bối cảnh "co ngót" về thị trường tiêu thụ, đồng thời các DN phải chống đỡ với tình trạng giá các loại nguyên liệu đầu vào liên tục tăng. Riêng chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng đầu năm tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, với một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 53,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 48,8%; sản xuất đồ gốm sứ không chịu lửa tăng 45,2%. Đại diện một số ngành, tổng công ty và tập đoàn lớn, đóng vai trò "đầu tàu" dẫn hướng cho nền kinh tế cũng tỏ ra khá tự tin về kết quả hoạt động, từ đó tác động "nắn chỉnh" và bảo đảm sự vận hành khả dĩ cho các ngành sản xuất khác. Tập đoàn Dầu khí (PVN) vẫn giữ được "phong độ" trong sản xuất và xuất khẩu, dự kiến vượt kế hoạch và sẽ nộp ngân sách 156.000 tỷ đồng năm 2011. Trong khi đó, Tập đoàn Dệt may cũng có mức tăng trưởng khá, 9 tháng đạt kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD, dự báo có thể đạt tổng kim ngạch 13,5 tỷ USD khi kết thúc năm 2011. Đại diện tập đoàn này cho biết, vừa qua đơn vị đã mua lại hai nhà máy may của nhà đầu tư nước ngoài ở tỉnh Hưng Yên và Quảng Ngãi với giá phải chăng để tăng cường năng lực sản xuất trong thời gian tới.


Dây chuyền sản xuất tại Công ty giày Thượng Đình.Ảnh: Duy Anh

Tuy nhiên, vẫn có một số sản phẩm có chỉ số sản xuất tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ, như đồ uống không cồn tăng 7,6%; sản xuất khai thác, lọc và phân phối nước tăng 6,3%; sản xuất xe có động cơ giảm 0,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 1,4%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 23,1%; đóng và sửa chữa tàu biển giảm 26,7%... Như vậy, sức tăng trưởng của SXCN còn "xôi đỗ". Thực tế này cũng thể hiện qua thực trạng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiếp tục xu hướng trầm lắng hơn qua từng tháng, nhất là hoạt động dịch vụ đang mất đi sự sôi động trong khi đời sống KT-XH bắt đầu bước vào giai đoạn gia tăng tiêu thụ trao đổi hàng hóa theo thông lệ từ quý IV đến Tết Âm lịch. Theo nhiều chuyên gia, nạn lạm phát chưa được đẩy lùi kết hợp với chủ trương cắt giảm đầu tư công, hạn chế xây dựng cũng là những nguyên nhân quan trọng kìm hãm đà tăng trưởng của SXCN 9 tháng qua.

Bất lợi khó lường

Tại cuộc họp giao ban tháng 9 của Bộ Công thương diễn ra ngày 3-10 tại Hà Nội, đại diện một số ngành, DN nhận định, sắp tới DN sẽ còn gặp nhiều khó khăn khó lường nên cần có biện pháp ứng phó hữu hiệu. Trong đó, ngành điện sẽ tập trung "nghe ngóng" tình hình, khai thác hợp lý năng lực các nhà máy thủy điện, lưu ý duy trì mức tích nước trong vào mùa khô năm sau. Ngành điện đang đối phó với tình trạng mực nước về các hồ phía Bắc vẫn thấp và hy vọng từ nay đến cuối năm còn đủ nước cho nhà máy vận hành. Dự báo, ngành dệt may sẽ không có những thuận lợi khách quan như đầu năm đến nay, bởi rất khó nắm bắt nhu cầu cũng như động thái đặt hàng, nhập khẩu sản phẩm mới từ các bạn hàng. Đến nay, chỉ có mặt hàng độc đáo, có yêu cầu kỹ thuật cao như veston, đồ chuyên dùng đòi hỏi kỹ thuật cao là có thể trụ lại hoặc vì "còn cửa" nhận thêm đơn hàng mới, còn lại áo sơ mi, quần âu đang xuất hiện dấu hiệu giảm sút.

Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) tỏ ra e ngại trước việc đang bị DN khác nợ khoảng 8.000 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được thanh toán sớm. Điều này dẫn đến tình trạng PVN gặp khó trong quá trình phân bổ nguồn lực, tiến độ triển khai một số dự án cũng như bị động trong quá trình nghiên cứu, đi đến quyết định đầu tư những dự án khác. Mặt khác, thực trạng này còn gây ảnh hưởng tiêu cực đối với đối tác, nhất là đối tác nước ngoài của PVN trong quan hệ giao thương, đồng thời ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện cổ phần hóa ở một số DN thành viên. Thời gian tới, tập đoàn sẽ chủ động bảo dưỡng và duy trì hoạt động ổn định đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Đạm Cà Mau. Động thái này sẽ tạo điều kiện giữ ổn định những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế cũng như duy trì an sinh xã hội.

Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục triển khai nội dung Nghị quyết 11. Bộ Công thương theo dõi, kịp thời khuyến cáo DN triệt để tiết kiệm chi phí sản xuất, chủ động sử dụng hàng nội trong các dự án đang thực hiện, hỗ trợ DN mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm chia sẻ, bù đắp sự trầm lắng trên thị trường nội địa; tăng cường kiểm soát, yêu cầu DN lựa chọn thời cơ để kết hợp sản xuất với chuyển đổi cơ cấu, điều chỉnh mặt hàng, thị trường để theo sát xu hướng và diễn biến thị trường thế giới.

Hồng Sơn