Đúng, nhưng không dễ
Đời sống - Ngày đăng : 07:27, 04/10/2011
"Quả bom nổ chậm" giữa đô thị
Phương tiện cá nhân đang giữ vai trò chủ đạo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tại các đô thị, do dân số cơ học tăng nhanh, phương tiện cá nhân vì thế phát triển không ngừng, gây áp lực rất lớn đối với giao thông đô thị. Với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân khoảng 15%/năm, Hà Nội hiện có hơn 4,1 triệu xe máy và gần 200 nghìn ô tô. Tại TP Hồ Chí Minh, số lượng phương tiện cá nhân còn cao hơn nhiều, với khoảng 5,3 triệu phương tiện, trong đó mô tô, xe máy là 4,83 triệu chiếc, còn lại là ô tô. Như vậy, riêng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã chiếm khoảng 3/8 lượng xe máy và 1/3 ô tô của cả nước. Đó là chưa kể đến mỗi ngày có cả triệu lượt phương tiện vãng lai qua lại hai thành phố này.
Bùng nổ phương tiện cá nhân là nguyên nhân gây ách tắc giao thông tại các đô thị lớn. Ảnh: Phương Thảo
Hạ tầng giao thông dù đã được đầu tư nhưng không thể theo kịp sự gia tăng đến chóng mặt của phương tiện. Nhiều chuyên gia đã nhận định, với đà phát triển phương tiện cá nhân như hiện tại, sẽ không còn đường mà... đi. Phương tiện cá nhân như "quả bom nổ chậm" ngày một phình to giữa lòng đô thị. Để hạn chế ùn tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm, hàng loạt giải pháp tình thế đã được sử dụng như: thu nhỏ dải phân cách, vỉa hè, mở rộng lòng đường, đóng mở linh hoạt ngã tư... và thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, mang tính đối phó, mà đã đối phó thì chỉ có thể đạt hiệu quả trong ngày một, ngày hai. Giải quyết triệt để ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, rất cần một nhóm giải pháp đồng bộ, trong đó có việc từng bước hạn chế phương tiện cá nhân.
Phải có sự lựa chọn khác
Hạn chế phương tiện cá nhân là điều cần thiết và thực hiện càng sớm càng tốt. Trước đây, Hà Nội đã có quy định hạn chế đăng ký mới xe máy, nhưng sau đó bị phản ứng quyết liệt nên phải bãi bỏ.
Nói thì đơn giản, nhưng đây thực sự là bài toán khó đối với các đô thị, bởi xét cho cùng, người dân cũng không có sự lựa chọn nào hơn là sử dụng phương tiện cá nhân. Tại nhiều quốc gia, công tác quy hoạch xây dựng, tổ chức dân cư được thực hiện bài bản, nhờ đó việc phát triển phương tiện vận tải công cộng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, ở nước ta, đây lại là một điểm yếu và chính đó là một phần nguyên nhân khiến phương tiện cá nhân với tính cơ động được ưa thích. Vận tải hành khách công cộng ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều chưa đáp ứng nhu cầu của người dân khi chỉ trông chờ vào xe buýt. So với TP Hồ Chí Minh, xe buýt Hà Nội phát triển bài bản, có tổ chức tốt hơn, nhưng hiện cũng chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân. Về lý thuyết, vẫn có thể phát triển thêm các tuyến xe buýt để tăng năng lực vận chuyển, song sau một giai đoạn được ưu tiên đầu tư mạnh, xe buýt Hà Nội dường như đang chững lại. Ngay cả khi tiếp tục đầu tư phát triển đội xe, mở thêm tuyến cũng không dễ hoạt động, đặc biệt là trong giờ cao điểm, bởi tình trạng ùn tắc cục bộ.
Từ lâu, các nhà hoạch định, quản lý đã tính tới việc phát triển loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn như là giải pháp hữu hiệu đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, từ đó từng bước thay đổi thói quen giao thông, từ bỏ phương tiện cá nhân. Đáng tiếc, các dự án đường sắt đô thị, xe buýt nhanh ở cả hai thành phố nhìn chung đều tiến triển chậm, cũng phải vài ba năm nữa, dự án đầu tiên mới có thể đưa vào khai thác. Sự ỳ ạch trong việc thực hiện các dự án là một phần nguyên nhân khiến phương tiện cá nhân tăng nhanh. Rõ ràng, không thể duy ý chí, hạn chế phương tiện cá nhân mà không cung cấp đủ loại hình vận tải bảo đảm chất lượng dịch vụ thay thế.
Trở lại việc phát triển xe buýt ở Hà Nội vài năm trước, khi đó lãnh đạo thành phố đã đầu tư, trợ giá để "mua" thói quen sử dụng phương tiện công cộng của người dân và đó là quyết định đúng. Từ chỗ "quay lưng" với xe buýt, đến nay, rất nhiều người đã chọn xe buýt làm "bạn đồng hành" mỗi ngày. Như vậy, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, xe buýt nhanh là vô cùng cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân.
Tuy nhiên, nếu chờ vài năm nữa khi có đường sắt đô thị mới hạn chế phương tiện cá nhân thì sẽ muộn. Việc phải có những biện pháp quản lý hành chính là cần thiết để từng bước hạn chế phương tiện cá nhân. Vấn đề đặt ra là giải pháp đó phải đáp ứng tiêu chí phục vụ phần lớn người dân thay vì một nhóm thiểu số. Do vậy, trước khi đưa ra quyết định, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ thực tế, xác định rõ đâu là "thủ phạm" chính gây ra ùn tắc để xử lý. TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu việc thu phí vào thành phố và được không ít chuyên gia ủng hộ để hạn chế phương tiện. Trong bối cảnh hiện tại, việc sử dụng các "rào cản" về thuế, tài chính cũng nên xem xét, cân nhắc khai thác nhằm kiềm chế gia tăng phương tiện cá nhân. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng hạ tầng giao thông vốn triển khai cũng rất ỳ ạch. Bỏ thói quen cũ, xây dựng thói quen mới là điều không dễ, nhưng chắc hẳn, người dân sẽ ủng hộ khi có đủ điều kiện và các cơ quan chức năng thực sự có trách nhiệm trong công việc.