Lũ chưa qua lại lo bão tới

Đời sống - Ngày đăng : 06:54, 04/10/2011

(HNM) - Nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt, nhiều địa phương như xã Tân Hóa, Minh Hóa, Xuân Hóa, Hóa Sơn, các bản đồng bào Rục, Sách (xã Thượng Hóa) bị cô lập. Trên 300ha lúa hè thu và hoa màu của người dân bị lũ nhấn chìm, có nguy cơ mất trắng. Người dân huyện vùng cao Minh Hóa - Quảng Bình gồng mình trong mưa lũ...

Tân Hóa chỉ còn 10 nhà… chưa ngập

Xã Tân Hóa có 634 hộ, 3.179 khẩu được xem là vùng "rốn lũ" của Minh Hóa. Ông Cao Văn Lục, Chủ tịch UBND xã xót xa: "Lũ ngập nặng rồi, chỉ còn lại 10 nhà tại vùng Rí Rị là chưa ngập thôi". 43ha lúa vụ hè thu bông nặng trĩu; 20ha ngô và 35ha sắn bị chìm trong nước lũ.

Nhà bè của người dân Tân Hóa để sống chung với lũ.

Phương châm "4 tại chỗ" được người dân nơi đây phát huy triệt để, tất cả lương thực thực phẩm, thuốc men dự phòng được tập kết lên các khu vực lèn cao. Toàn xã hiện có 320 thuyền, trên 300 nhà bè và 100 nhà bạt phân bố tại Cà Lôi, Nhọt, Mộng Ông, Cây Ngá… 624 ngôi nhà bị nhấn chìm trong nước lũ, nhiều hộ ở vùng Yên Thọ bị ngập hoàn toàn. Trâu, bò là những tài sản quý giá nhất của người dân Tân Hóa chỉ mới gây dựng lại gần một năm nay kể từ hai trận lũ lịch sử năm 2010, được bà con đưa lên các khu vực an toàn. Khoảng gần 10ha cỏ đã được trồng từ trước, bảo đảm duy trì thức ăn cho đàn trâu, bò từ 7 đến 10 ngày, nếu ngập lụt kéo dài.

Anh Thái Xuân Lực cùng gia đình ở trên ngôi nhà bè rộng chừng 10m2 được đánh giá là "hoành tráng" nhất thôn 3, kết cấu bằng gỗ chắc chắn, đặt trên 12 chiếc thùng phi. Anh Lực nói rằng: "Năm nay nhờ có ngôi nhà bè mới làm này mà gia đình chúng tôi cũng như nhiều nhà khác trong thôn chủ động đối phó với lũ lụt, dù nước có lớn đến mấy thì vẫn cầm cự được. Gia đình vốn kinh doanh, buôn bán hàng tạp hóa nên đã dự trữ nguồn lương thực, thực phẩm, sẵn sàng cung cấp cho bà con trong những ngày nước nổi".

Tại Hung Nhọt ở thôn 4, chúng tôi chứng kiến chừng 20 lán trú ẩn trên lèn cao. Mọi người góp gạo nấu cơm chung, ấm lòng chờ nước rút. Cụ Cao Xuân Đống, 75 tuổi cùng hai cháu nội lên dựng lán ngay từ chiều 30-9. Trong lán, gạo cơm, nước uống sẵn sàng. Cụ cho biết: "Bà con không lo đói như đận lụt năm trước. Dân trong thôn, trong xã khi thấy trời mưa to đã chủ động lên lèn tránh lũ".

Phú Nhiêu… nước trắng thôn

Nhà bà Cao Thị Lan ngày thường vẫn cao ráo bên đường Hồ Chí Minh nhưng bây giờ đã không còn thấy trong nước lũ. Rất nhiều gia đình khác ở thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa vội vàng bỏ nhà cửa, mặc nước lũ tàn phá, chạy lên trú ẩn trên đường Hồ Chí Minh. Ông Cao Thanh Biên, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho biết: "165 hộ dân thôn Phú Nhiêu thì có trên 100 hộ bị ngập lụt, rất nhiều nhà ngập đến nóc, trong đó 5 nhà bị bong mái ngói". Thôn Phú Nhiêu là một điểm thường xuyên bị ngập của xã Thượng Hóa mỗi khi có mưa to. Khoảng 5km đường Hồ Chí Minh qua thôn cũng bị nhấn chìm trong nước, nhiều nơi sâu trên 2m.

Trước đó vào chiều 30-9, tại thôn Tân Lợi, xã Yên Hóa, cháu Đinh Ngọc Duy, 3 tuổi, con anh Đinh Xuân Tú bị chết đuối do mưa lũ. Theo một số người dân kể lại, do cháu ra sân nghịch nước nhưng bố mẹ không để ý nên trượt chân xuống một hố sâu.

Tại ngầm Bến Sú từ thị trấn Quy Đạt vào xã Xuân Hóa, nước dâng cao ngập qua ngầm chia cắt đường. Nhiều người vẫn "đánh đu" với thủy thần để vượt qua. Nước lớn cuốn trôi hai xe máy. Rất may không có thiệt hại về người.

Sau lũ... còn nhiều nỗi lo

Ông Cao Quý Nông ở thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa, vợ mất mấy năm nay, một tay nuôi 5 con nhỏ. Nước lũ lên, ngôi nhà nhỏ bị chìm sâu tận nóc, ông chỉ kịp dắt díu con chạy lên đường Hồ Chí Minh. Nước rút đi để lại ngôi nhà toàn bùn non bám một lớp dày. Trở về nhà sau lũ, ông Nông xót xa: "Cứ ngỡ nước nhỏ, ai dè... 4,5 tạ ngô; 2 tạ lạc; áo quần, ti vi, giường, tủ... ngâm trong nước, thiệt hại trên 10 triệu đồng".

Nhà cửa ngập tận nóc, phó mặc cho lũ, anh Cao Ngọc Lan - Trưởng thôn Phú Nhiêu với chiếc đò gỗ cùng lực lượng dân quân, bộ đội biên phòng Đồn 589 ứng trực 24/24h để di dời khẩn cấp dân đến nơi trú ẩn. Hơn 120 hộ dân Phú Nhiêu an toàn tại các điểm cao trên đường Hồ Chí Minh. Anh Lan nhìn trời mưa gió vần vũ, lo cho bà con thôn mình: "Chưa khắc phục xong hậu quả, lại chuẩn bị đón cơn bão số 6 sắp tới nữa rồi. Biết bao giờ chúng tôi sống thanh bình, không chịu cảnh lụt lội triền miên như thế này?".

Chúng tôi trở lại xã Tân Hóa khi nước lũ mới rút được khoảng 1m, nhiều gia đình ở những nơi cao trở về dọn dẹp nhà cửa. Sống chung với lũ lâu nay đã quen nên người dân Tân Hóa có kinh nghiệm: nước rút đến đâu, vệ sinh, tẩy bùn non đến đó. Ông Trần Hữu Phú, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Hóa đang cùng với cán bộ, nhân viên làm vệ sinh trụ sở, ông nói: "Cần khôi phục lại hoạt động của trạm trong thời gian sớm nhất để chăm lo sức khỏe cho bà con. Sau lũ, chúng tôi lo dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Hiện tại, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Minh Hóa đã tăng cường đầy đủ Cloramin B để giúp dân xử lý nguồn nước".

"Lũ còn ngập dài ngày, chúng tôi ngoài lo dịch bệnh còn lo thiếu nước sạch sinh hoạt. Nhiều hộ dân huy động tất cả thùng, xô, chậu hứng và tích trữ nước mưa. Ở đây lại có một nghịch lý: nếu mưa lớn, dân có nước sạch dùng thì lũ tiếp tục kéo dài. Nhưng trời không mưa, nước rút đi, dân thiếu nước sạch dùng" - Bí thư Đảng ủy xã Cao Thanh Bình lo âu.

Giữa bộn bề công việc trong lũ, những người dân Minh Hóa rất cần sự sẻ chia của đồng bào cả nước.

Ngô Thanh Long