Tại Mỹ: Loang rộng cuộc chiến giàu - nghèo
Thế giới - Ngày đăng : 06:43, 04/10/2011
Nhằm duy trì an toàn giao thông, nhiều người biểu tình đã bị cảnh sát bắt giữ. Chỉ trong chiều tối 1-10, tại khu vực cầu Brooklyn của New York, cảnh sát thành phố này đã bắt giữ khoảng 700 người khi họ chuẩn bị qua cầu. Theo cảnh sát New York, việc làm này nhằm khống chế đám đông và tránh ách tắc giao thông khi người biểu tình phong tỏa cầu Brooklyn, buộc cây cầu phải đóng cửa trong vài giờ liền. Trong khi đó, tại Hạ Manhattan, trung tâm tài chính - ngân hàng của Mỹ, hàng trăm người biểu tình cũng đã làm tắc nghẽn giao thông trong nhiều giờ. Làn sóng biểu tình chống Phố Wall ở New York đã lan sang các thành phố lớn khác trên khắp nước Mỹ như Boston, Chicago, San Francisco...
Những người biểu tình “chiếm Phố Wall” đang cập nhật thông tin tại một công viên gần trung tâm tài chính Manhattan. |
Bắt đầu từ tháng 7 với một trang web kêu gọi tham gia "biểu tình ngồi" tại sàn chứng khoán New York, cuộc biểu tình "chiếm Phố Wall" đã trở thành phong trào thực sự từ ngày 17-9, phản đối các tác động của khủng hoảng kinh tế, việc Chính phủ cứu trợ ngân hàng và nạn thất nghiệp đạt đỉnh 9% cũng như sự đối xử bất công với những nhóm người thiểu số ở Mỹ. Những gì đang diễn ra tại Mỹ khiến nhiều người liên tưởng về một bản sao của "Mùa xuân Arab" đang hình thành trên xứ Cờ hoa.
Ngày 28-9 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ thông báo có thêm 141 ngân hàng trên cả nước được nhận 1,6 tỷ USD qua Quỹ cho vay dành cho doanh nghiệp nhỏ (SBLF) có sự hỗ trợ của Chính phủ. Đây là lần thứ bảy Chính phủ Mỹ "bơm tiền" cho quỹ này nhằm cứu vãn nền kinh tế đang giảm đà tăng trưởng và tình trạng thất nghiệp chưa được cải thiện. Những người phản đối - làm nổ ra các cuộc biểu tình - cho đây là việc làm lãng phí và không đem lại kết quả. Theo họ, các nhà tài chính Phố Wall đã hủy hoại nền kinh tế và Chính phủ không nên đổ thêm tiền để cứu các ngân hàng hoạt động không hiệu quả.
Những người biểu tình tuyên bố sẽ tiếp tục tuần hành trên các đường phố để phản đối điều họ gọi là "sự tham lam của giới doanh nghiệp". Và rằng, họ đang bảo vệ 99% dân số Mỹ chống lại 1% người giàu có nhưng lại nắm phần lớn số tiền trong xã hội; đồng thời hối thúc Tổng thống Mỹ B.Obama thành lập một ủy ban chấm dứt sự chi phối của đồng tiền đến chính trị...
Tháng trước, ngay khi xảy ra cuộc biểu tình đầu tiên trên Phố Wall, Tổng thống Mỹ B.Obama đã đưa ra đề xuất tăng thuế với người giàu nhằm bảo đảm những nhà triệu phú sẽ đóng một mức thuế tối thiểu bằng với tầng lớp trung lưu hay còn gọi là thuế "Buffett" do tỷ phú Warren Buffett đề xuất. Tuy nhiên, theo đa số công dân Mỹ, để giảm được khoảng cách giàu - nghèo hiện nay, tăng thuế thu nhập của giới nhà giàu là chưa đủ. Sự bất bình đẳng nghiêm trọng nhất tại Mỹ không phải là thu nhập mà là tài sản. Nhóm 1% những người giàu nhất nước Mỹ kiếm tương đương 21% thu nhập quốc gia, nhưng sở hữu tới 35% tổng tài sản quốc gia. Chính phủ Mỹ cần áp thuế trực tiếp lên tài sản của giới nhà giàu. Trên thực tế, từ năm 2008, Pháp, Na Uy, Thụy Sĩ và 5 quốc gia khác thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) đã áp dụng loại thuế này.
Trong bài phát biểu gần đây ở Cleveland, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết, nước Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khi tỷ lệ thất nghiệp trên 9% kể từ tháng 4-2009. Rõ ràng tỷ lệ thất nghiệp mà Chủ tịch FED viện dẫn cùng cuộc khủng hoảng ám chỉ cuộc tranh cãi của các chính trị gia Mỹ đang diễn ra về cắt giảm chi tiêu của Chính phủ liên bang trong khi Chính phủ Mỹ cần thêm tiền để đầu tư cho giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng... để tạo thêm việc làm. Và chính sự bất đồng chính trị này đã làm cho các cơ quan hành pháp Mỹ không ít phen chao đảo.
Cuộc chiến "đường phố" nhằm vào tầng lớp giàu có tại xứ Cờ hoa đã loang rộng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây hẳn là cuộc chiến "giàu - nghèo" mà chính quyền của Tổng thống B.Obama cũng như nhiều chính phủ trên thế giới không muốn có.