Vận dụng chính sách chưa đúng thẩm quyền

Đời sống - Ngày đăng : 07:29, 03/10/2011

(HNM) - Báo Hànộimới số 15305 ra ngày 26-9 có đăng bài

"Cấp đất tái định cư tại quận Cầu Giấy: Quận "thiếu sót", dân lo thon thót". Liên quan đến vấn đề này, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã có văn bản khẳng định, UBND quận Cầu Giấy vận dụng cơ chế chính sách chưa phù hợp với thẩm quyền.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực đất đai còn khẳng định, UBND quận Cầu Giấy làm sai quy định tại Nghị định (NĐ) 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC).


Đất tái định cư đã có nhưng người dân vẫn chưa được cấp. Ảnh: Tuấn Lương

Điệp khúc hẹn và khất hẹn

Đất TĐC đang là nỗi mong mỏi lớn nhất của 129 hộ dân phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) sau gần 2 năm bàn giao đất cho TP phục vụ dự án xây dựng nút giao Mai Dịch thuộc dự án đường Vành đai 3. Cuộc sống nơi tạm cư bấp bênh, nay thuê mai chuyển vì bị đòi nhà hoặc yêu cầu tăng giá. Rồi còn chuyện học hành của con trẻ, chốn sinh hoạt của người già… Ai cũng muốn sớm được cấp đất để xây dựng nhà cửa ổn định cuộc sống. Vì vậy, Quyết định số 3208/QĐ-UBND ngày 6-7-2011 của UBND TP Hà Nội về việc thu hồi 7.401m2 đất tại khu TĐC 7.3 và 8.1 xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm) để cấp cho 129 hộ đã thực sự làm vơi đi nỗi thấp thỏm trong dân. Quyết định này cũng ghi rõ, trong tổng số 7.401m2 này, lô TT1 để TĐC cho 19 hộ; lô TT2 cho 36 hộ; lô TT4 cho 30 hộ; lô TT5 cho 29 hộ; lô TT6 cho 15 hộ. Sau 12 tháng kể từ ngày bàn giao đất, nếu các hộ gia đình chưa xây dựng nhà ở thì Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm ra quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Nhiều người dân bức xúc, lần nào tiếp xúc với dân, lãnh đạo quận Cầu Giấy, phường Mai Dịch cũng nói như "đinh đóng cột" rằng, sẽ hoàn thành cấp đất TĐC cho dân vào ngày này, tháng nọ, nhưng rồi cứ lỡ hẹn. Sai hẹn đến lần thứ 3, thứ 4 thì người dân hoang mang, mất lòng tin. Cuối cùng Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Nguyễn Trọng Lễ nói: "Quận có thiếu sót, xin rút kinh nghiệm". Vì lẽ đó, chuyện đông đảo người dân tập trung ở trụ sở quận để thắc mắc, khiếu kiện cũng là chuyện cực chẳng đã.

Về vấn đề hỗ trợ tạm cư trong giai đoạn chờ cấp đất TĐC, cho đến thời điểm này người dân mới chỉ được chi trả 9 tháng, 12 tháng còn lại chưa thấy UBND quận Cầu Giấy và các đơn vị chủ đầu tư đề cập tới chuyện hỗ trợ cho dân, mặc dù chuyện chậm trễ này không phải do lỗi của bà con. Theo tài liệu mà PV Báo Hànộimới có được, ngày 8-8-2011, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã ký Văn bản số 6535/UBND-TNMT về việc bổ sung hỗ trợ tạm cư để thực hiện dự án mở rộng nút giao thông Mai Dịch và dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ (QL) 32. Trong đó chấp thuận cho UBND quận Cầu Giấy phê duyệt hỗ trợ tiền tạm cư. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan liên quan nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc lập, phê duyệt phương án TĐC, dẫn đến việc chậm ổn định nơi ở cho các hộ dân.

UBND quận Cầu Giấy vượt thẩm quyền?

Liên quan đến một số tồn tại trong công tác GPMB dự án mở rộng QL 32 và nút Mai Dịch trên địa bàn quận Cầu Giấy, Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội vừa có Văn bản số 658/BCĐ-NV1 (ngày 23-9-2011) gửi UBND TP Hà Nội, trong đó khẳng định: "Do đặc điểm việc sử dụng đất của các hộ, chính sách TĐC của dự án được giao bằng đất, suy nghĩ của UBND quận Cầu Giấy giản đơn về sự công bằng giữa các hộ dân, mong muốn đẩy nhanh tiến độ GPMB nên đã vận dụng cơ chế chính sách chưa phù hợp với thẩm quyền của UBND quận. Đến nay, mọi phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC của hai dự án này đã được chuyển giao cho các hộ gia đình, cá nhân, trong khi những chính sách đặc thù này đáng ra UBND quận Cầu Giấy phải trình UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định sau đó mới áp dụng để phê duyệt phương án".

Trao đổi với PV Báo Hànộimới, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, UBND quận Cầu Giấy đã làm sai quy định tại NĐ 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ về điều chỉnh một số quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ TĐC. Đây là văn bản cấp Chính phủ, TP Hà Nội phải tuân thủ. Theo quy định tại NĐ này, nếu dự án đó trong phạm vi một quận, huyện thì quận, huyện đó ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC. Nhưng nếu dự án trải rộng từ 2 quận, huyện trở lên, thẩm quyền phê duyệt phương án thuộc UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc TƯ. Trong trường hợp này, UBND TP tiếp nhận báo cáo từ UBND quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm sau đó ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC. Như vậy, sai phạm của UBND quận Cầu Giấy đã rõ. Trong Công văn số 816/UBND-TCKH ngày 12-9-2011 gửi UBND TP Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy cũng thừa nhận thiếu sót và xin rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu chỉ ngồi đổ lỗi, quy trách nhiệm cho nhau, người dân sẽ phải chịu thiệt thòi. Vì vậy, TP Hà Nội phải vào cuộc, chỉ đạo các cơ quan cấp dưới tập trung tháo gỡ, sớm cấp đất TĐC cho dân.

Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội cho rằng, các phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC mà UBND quận Cầu Giấy đã phê duyệt có thể chấp thuận được. Ban chỉ đạo đề nghị UBND TP chấp thuận để sớm cấp đất cho dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, UBND quận Cầu Giấy phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đồng thời, trong việc bổ sung tài liệu xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, UBND quận Cầu Giấy phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của từng hồ sơ, phương án.

Tuấn Khải