VPF có loại trừ được tiêu cực?
Xã hội - Ngày đăng : 07:23, 03/10/2011
Lý do chính khiến VPF ra đời chính là để tăng cường sự minh bạch trong công tác tổ chức và hạn chế những tiêu cực, nhưng điều đó không phải là dễ dàng.
Các “ông bầu” và VFF đã đi đến một số thống nhất về đề án thành lập Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. |
Với bất cứ mô hình nào, con người luôn là yếu tố quyết định sự thành bại. Mô hình mới mở ra cơ chế quản lý công khai dựa trên sự đồng thuận của LĐBĐ Việt Nam (VFF) với các CLB, nhưng nếu vẫn là những con người cũ, tư duy cũ thì rất khó đòi hỏi sự lột xác. Trên thực tế, mô hình theo kiểu các CLB cùng tổ chức giải đấu đã được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng vẫn có những nơi để xảy ra tiêu cực, chẳng hạn như sự cố mua chuộc trọng tài nổi cộm của bóng đá Italia mùa bóng 2005-2006. Bóng đá Đức cũng từng có vụ treo còi vĩnh viễn vài ông "vua áo đen" chót nhúng chàm. Ở quốc gia láng giềng Trung Quốc, cơn bão tiêu cực trong bóng đá đã kéo theo nhiều quan chức, cầu thủ phải vào tù.
Nói như Chủ tịch CLB Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Đệ, trong số 28 ông bầu có nhiều người tốt, nhưng số còn lại thì sao? Trong một tập thể gồm nhiều thành viên, mỗi anh một mức độ nhu cầu lợi ích, đòi hỏi tất cả cùng nhìn một hướng, có khi là cùng hy sinh quyền lợi (ở mức độ nào đó, trong khoảng thời gian đầu hình thành VPF chẳng hạn) đâu phải là chuyện dễ. Một khi vẫn còn những ông bầu sẵn sàng chi ra những "đồng tiền đen" để làm mê hoặc giới trọng tài thì tiêu cực vẫn có thể song hành giải V.League mới.
Tất nhiên, khi đã chuyển đổi sang mô hình mới, việc giám sát các trọng tài sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn, tiền công cho các vua sân cỏ cũng tăng 3-5 lần so với trước nên họ an tâm với công việc hơn. Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng cho rằng, khi đã nhận mức thu nhập khoảng 400 triệu đồng/mùa giải thì các trọng tài sẽ phải "nghĩ kỹ hơn" trước khi quyết định làm bừa. Bởi lẽ, chỉ cần 1 lần bị phát hiện thổi "có mùi" thì trọng tài có nguy cơ mất nghiệp.
Thế nhưng, mô hình nào cũng có những kẽ hở, những điểm chưa hoàn thiện, có thể trong thời gian đầu mọi việc sẽ tốt, nhưng đến mùa giải thứ hai, thứ ba thì chưa chắc. Trong giới trọng tài cũng có nhiều người không tin cứ trả lương cao là sẽ loại trừ được tiêu cực. Việc trả lương cao có tác dụng một phần, chứ không thể loại hết nhiễu nhương, nhất là với những trọng tài đã tỏ "đường đi, lối về" và có thể nhận được số tiền lớn hơn từ giới cá độ.
Ngay cả trong công tác tổ chức giải, việc tìm được người thực sự công tâm và lại có chuyên môn cao để điều hành giải cũng không phải là dễ. Bản thân các CLB sau khi thoát khỏi vòng kiềm tỏa của VFF thì không còn muốn người của tổ chức này nắm vai trò chính ở VPF. Nhưng nếu đưa người của CLB vào các vị trí quan trọng như chủ tịch HĐQT hay giám đốc điều hành thì rất khó bảo đảm tính trung lập, sự khách quan. Cơ chế giám sát mới sẽ khiến cho giám đốc điều hành phải làm việc tận lực và công bằng hơn, nhưng cùng với thời gian, có cách gì ngăn chặn sự thỏa hiệp để đạt lợi ích của cả hai hoặc nhiều phía?
VPF mới chỉ là bước đi mở đầu trên chặng đường cải tổ công tác tổ chức thi đấu và chắc chắn đó không phải là "chìa khóa vạn năng" để hóa giải mọi vấn đề của V.League. Điều cơ bản nhất vẫn là ý thức của những người tham gia vào "ngôi nhà mới" và cơ chế giám sát chuyên nghiệp.