Bắt bệnh, trị bệnh ùn tắc giao thông
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:07, 03/10/2011
Nhiều người coi xe máy là nguyên nhân chính gây nên nạn ùn tắc. Vào những giờ cao điểm nhìn những chiếc xe máy rồng rắn nối đuôi nhau dưới lòng đường không ít người ngao ngán. Nhưng xe máy có thật sự là kẻ tội đồ? Không hẳn vậy. Hiện nay Hà Nội có 380.000 ô tô, gần 4 triệu xe máy. Theo những kết quả nghiên cứu mới đây, trong đoàn phương tiện lưu thông, ô tô chỉ chiếm 1/10 số lượng nhưng lại chiếm tới 55% diện tích mặt đường. Thực tế có những lúc, vào giờ cao điểm, ô tô con nối nhau ép sát lề đường, thế là xe máy "lên hè" để rồi tất cả đều nghẽn tắc. Chưa kể khi tắc đường, khí thải của ô tô sẽ làm thiệt hại kinh tế gấp 100 lần xe máy… Vậy đâu là nguyên nhân gốc của căn bệnh này?
Có người cho rằng, sự yếu kém của ngành giao thông là nguyên nhân gây bệnh. Cũng không sai, là ngành chủ quản không thể rũ trách nhiệm. Quản lý giao thông ở ta có không ít vấn đề và sẽ là không ngoa, nếu ai đó cho rằng chính sự thiếu tầm nhìn của ngành này là một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng bùng nổ phương tiện giao thông cá nhân. Thế nhưng nói như vậy cũng chưa hết nhẽ. Nếu như các trung tâm thương mại, các khu nhà cao tầng không mọc lên ở các quận trung tâm của thành phố liệu có tình trạng nghẽn tắc giao thông nghiêm trọng như hiện nay? Nếu thành phố không cho dừng việc xây dựng một số khu chung cư trong các quận trung tâm không biết sự thể còn thế nào (!).
Vậy đâu là nguyên nhân chính gây nên căn bệnh ùn tắc giao thông làm đau đầu từ lãnh đạo đến người dân thành phố? Phương tiện không có lỗi, cung cách quản lý giao thông cũng không phải là nguyên nhân trực tiếp. Vậy có phải do quy hoạch, do những người đã cấp phép cho những công trình đồ sộ giữa lòng Thủ đô? Đường phố chỉ có vậy, hạ tầng đô thị chỉ có thế lại chồng nhà lên, người tứ xứ tràn vào hàng phố thì tắc đường là đương nhiên. Như vậy, người ta nói quy hoạch phải đi trước không phải không có lý.
Và nói đi nói lại thì ai cũng biết nguyên nhân trực tiếp nhất gây ra tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay là con người. Một người có thói quen đi xe máy rẽ lung tung, đỗ bừa bãi thì khi lái ô tô cũng rẽ lung tung, đỗ bừa bãi. Và không ai khác, chính những con người thiếu ý thức khi tham gia giao thông đã làm nghiêm trọng hơn tình trạng ùn tắc.
Bắt bệnh không khó bằng trị bệnh. Đã là bệnh nan y phải có phác đồ điều trị rõ ràng và phải dùng thuốc đúng liều, đúng lượng. Xử phạt nghiêm minh những người vi phạm luật giao thông chính là liều thuốc đặc trị đánh trúng vào mầm bệnh. Bởi thực tế, kêu gọi ý thức là hết sức khó khăn. Việc thí điểm tách làn đường không mang lại hiệu quả cho thấy rất rõ điều đó.
Tóm lại, bệnh nan y cần chữa trị bằng nhiều loại thuốc, với căn bệnh của giao thông đô thị, cần có loại thuốc cho người tham gia giao thông, có loại cho người quản lý giao thông và có cả loại thuốc dành cho người vì lợi ích của riêng mình gây ra không ít hệ lụy cho giao thông.