Những kẽ hở trong xuất khẩu lao động (tiếp)
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:48, 03/10/2011
Lao động nộp tiền cho chi nhánh Công ty OSC Hải Phòng giờ không biết đòi tiền ở đâu. Ảnh: Tây Giang |
Lý giải
Như số báo trước chúng tôi nêu hai trường hợp khá điển hình về những "lòng vòng" trong hoạt động XKLĐ. Có những trường hợp đã được giải quyết, nhưng có những trường hợp năm lần bảy lượt được yêu cầu mà doanh nghiệp vẫn chưa thể xử lý dứt điểm, điển hình là tại OSC Hải Phòng.
Chúng tôi đem những thắc mắc của người lao động lên Cục Quản lý lao động ngoài nước để làm rõ vấn đề. Nhưng thật oái oăm, những câu trả lời từ cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động xuất khẩu lao động lại hết sức chung chung rằng, đã có công văn yêu cầu doanh nghiệp trả lời. Và rằng, nếu có thông tin doanh nghiệp chưa giải quyết dứt điểm thì cứ chuyển đến Cục để Cục lại có công văn tiếp tục... yêu cầu doanh nghiệp giải quyết. Trong khi đó, theo tài liệu chúng tôi có được, trước đó, ít nhất Cục Quản lý lao động ngoài nước đã 3 lần có công văn yêu cầu doanh nghiệp xử lý vụ việc. Đó là các công văn số 227 ngày 24-2-2010 yêu cầu doanh nghiệp có biện pháp giải quyết dứt điểm, trả lại tiền cho người lao động không được xuất cảnh theo quy định của pháp luật, đồng thời báo cáo lại Cục trước ngày 5-3-2010. Tiếp đó, công văn số 540 ngày 8-4-2010 yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương có biện pháp giải quyết dứt điểm trả lại tiền cho lao động không được xuất cảnh theo quy định tại điểm c mục 1 phần V của Thông tư 21/TT-BLĐTB&XH đồng thời báo cáo lại trước ngày 16-4-2010. Đến ngày 7-1-2011, Cục Quản lý lao động ngoài nước lại tiếp tục có công văn số 42 vẫn với nội dung yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương trả lại tiền cho người lao động và báo cáo lại Cục trước ngày 15-1-2011. Thậm chí trước đó, UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã có công văn số 2771 từ thời điểm tháng 12-2010 đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét và trả lời theo thẩm quyền. Vậy mà chỉ tính từ thời điểm Cục Quản lý lao động ngoài nước có công văn đầu tiên gửi doanh nghiệp đến nay đã gần hai năm mà sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Tìm hiểu sâu hơn nữa về chức năng quản lý nhà nước của Cục Quản lý lao động ngoài nước như xử lý hành chính, rút giấy phép hoạt động, rút tiền từ khoản ký quỹ của doanh nghiệp để thanh toán cho người lao động trong những trường hợp trên, một cán bộ của Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, không phải lúc nào cũng rút giấy phép của doanh nghiệp cũng như chi trả cho lao động từ tiền ký quỹ. Chỉ những trường hợp lao động bị tai nạn, rủi ro tại nước ngoài mà doanh nghiệp không có trách nhiệm bồi thường và đưa thi hài lao động về nước thì Cục mới xử lý đến phần ký quỹ này. Đến đây, chúng tôi hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi: Với cách lý giải trên, nên chăng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần sửa đổi, bổ sung thêm cho phần ký quỹ bảo lãnh cho những hoạt động đầy nhạy cảm này? Không lẽ, việc thực hiện ký quỹ đối với các doanh nghiệp XKLĐ có điều kiện chỉ thực hiện cho vui, cho đủ thủ tục cấp phép.
Trong khi đó, tại Thông tư số 02/204-TT-NHNN hướng dẫn việc ký quỹ tại ngân hàng đối với doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động nêu rõ: "Trường hợp doanh nghiệp được ngân hàng cho rút tiền ký quỹ để sử dụng vào mục đích đưa người lao động Việt Nam ở nước ngoài về nước theo yêu cầu bằng văn bản của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định tại điểm 3 mục này, thì trong thời gian tối đa là 30 ngày, kể từ ngày rút tiền ký quỹ, doanh nghiệp phải nộp bổ sung cho đủ mức ký quỹ quy định".
Xử phạt quá nhẹ
Lật giở lại báo cáo về công tác thanh tra của Cục Quản lý lao động ngoài nước những năm gần đây thì thấy, trong phần đánh giá, đơn vị này nhận định: Số lượng đơn thư thời gian gần đây tăng nhiều là do lao động ở các thị trường Liên bang Nga, Đài Loan, Cộng hòa Séc phát sinh phải về nước trước thời hạn. Nội dung các đơn thư khiếu nại, tố cáo nêu trên, chủ yếu tập trung vào: việc làm của người lao động không đúng hợp đồng đã ký với doanh nghiệp trước khi xuất cảnh, chủ sử dụng lao động không trả đầy đủ tiền lương tháng của người lao động, các khoản khấu trừ tiền lương của người lao động làm việc ở nước ngoài không rõ ràng, gây thắc mắc cho người lao động, điều kiện sinh hoạt tối thiểu không bảo đảm, lao động về nước không được doanh nghiệp giải quyết kịp thời, lao động nộp tiền cho doanh nghiệp, chờ lâu không được xuất cảnh, nhưng không được doanh nghiệp hoàn trả đầy đủ khoản tiền đã nộp...
Nhận định là vậy nhưng không hề thấy phần báo cáo xử lý các doanh nghiệp vi phạm của đơn vị này. Thậm chí, một báo cáo nghiên cứu khác khi đánh giá về hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho thấy, chỉ có khoảng 50% số doanh nghiệp có giấy phép hoạt động có hiệu quả. Và theo những gì chúng tôi có được, việc đình chỉ hoặc rút giấy phép của những doanh nghiệp XKLĐ hầu hết rơi vào những doanh nghiệp có đơn xin trả giấy phép vì chuyển đổi mục đích kinh doanh. Mới đây nhất là trường hợp của Công ty cổ phần Cơ khí và xuất khẩu lao động Thừa Thiên Huế (ENLEXCO), bị thu hồi giấy phép theo Quyết định số 1029/QĐ-LĐTBXH về việc thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Công ty này bị thu hồi do hết hạn giấy phép và không được đổi giấy phép theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trước đó, ngày 22-8-2011, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 1016/QĐ-LĐTBXH về việc thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng (SONGHONG CORP) do công ty này... chấm dứt hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, một số doanh nghiệp vi phạm khác cũng chỉ bị phạt hành chính với mức 3 triệu đến 15 triệu đồng (?).
Xử phạt nhẹ, thiếu cương quyết trong xử lý vi phạm, đã có những ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước đang bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp mà chưa thực sự quan tâm tới những khó khăn của người lao động.
* *
*
Nhắc chuyện đi làm việc tại nước ngoài, chúng tôi lại nhớ đến kết quả một cuộc khảo sát mới đây của Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH); đó là 100% những lao động đi làm việc ở nước ngoài phải vay tiền, trong đó có vay người thân hoặc vay ngân hàng. Và đã có trường hợp "suýt" bị ngân hàng phát mại hàng hécta rừng trồng cùng căn nhà cấp 4 chỉ vì bị chủ sử dụng lao động phá hợp đồng do thiếu việc làm tại Nga. Và nếu không có sự can thiệp kịp thời của phóng viên Báo Hànộimới cùng một số tờ báo khác cùng sự quan tâm thiết thực của các bộ, ngành, địa phương thì có lẽ không biết gia đình đó giờ ra sao!
Trở lại với vụ việc điển hình ở Công ty OSC Hải Phòng, không biết gia đình của những lao động trên đang phải gánh khoản lãi vay bao nhiêu tiền/tháng khi đã gần 4 năm nộp tiền cho OSC; hơn hai năm chính thức được trả lời không thể đi Séc mà chưa được giải quyết dứt điểm, dù rằng trong số đó đã có người tìm đường đi làm việc ở nước ngoài. Và chúng tôi chắc chắn một điều, đã và đang có rất nhiều người lao động đang phải gánh nợ từ việc xuất khẩu lao động bất thành do doanh nghiệp thiếu trách nhiệm và với cách quản lý chỉ bằng công văn yêu cầu hoặc phạt hành chính với mức phạt vài triệu đến vài chục triệu đồng của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.