Đẩy mạnh nội địa hóa thiết bị nhiệt điện

Kinh tế - Ngày đăng : 05:45, 02/10/2011

Ngày 1-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp về cơ chế nhằm đẩy mạnh thực hiện nội địa hóa chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện.


Lắp turbin khí tại Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ

Theo Quy hoạch điện VII, tính đến năm 2030 sẽ có khoảng 58 nhà máy nhiệt điện được xây dựng. Nếu tính suất đầu tư trung bình hiện nay, Việt Nam sẽ phải đầu tư 97 tỷ USD để xây dựng các nhà máy này, trong đó phần chi phí thiết bị chiếm khoảng 60-70% tổng vốn đầu tư, khoảng 67 tỷ USD. Bộ Công thương đánh giá, đây là tiềm năng lớn để phát triển các ngành cơ khí phụ trợ nói chung, cho ngành cơ khí chế tạo nhiệt điện nói riêng và là cơ hội lớn để các doanh nghiệp cơ khí có cơ hội tham gia cung cấp thiết bị cho các dự án nhiệt điện ngay tại trong nước.

Cho đến nay, hầu hết các dây chuyền thiết bị nhiệt điện tại Việt Nam đều do nhà thầu nước ngoài cung cấp theo hình thức tổng thầu EPC. Trong nước mới có một số đơn vị thực hiện tổng thầu EPC cho các dự án nhiệt điện Phú Mỹ, Uông Bí 1, Vũng Áng 1, Nhơn Trạch, Cà Mau, Thái Bình 2, Long Phú 1… Tuy nhiên, phần thiết bị cho các dự án này vẫn chủ yếu do nhà thầu nước ngoài thực hiện từ thiết kế đến cung cấp thiết bị.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công thương, các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng các cơ chế liên quan đến việc thực hiện tiếp nhận chuyển giao công nghệ thiết kế chế tạo và cung cấp các hạng mục thiết bị; xây dựng danh mục các nhà máy, hạng mục thiết bị có thể triển khai thí điểm. Bên cạnh đó, Bộ Công thương xây dựng một quy chế về chế tạo thiết bị trong nước, quy định các dự án mà các nhà thầu trong nước tham gia. Xem xét, hoàn thiện chính sách để các chủ đầu tư khi lập kế hoạch đấu thầu có thể tách các hạng mục chế tạo dự kiến nội địa hóa để thực hiện.