Bão dữ đi qua, nỗi lo ở lại
Đời sống - Ngày đăng : 07:17, 01/10/2011
Mỗi xe máy qua cầu Bãi Cháy phải trả 50.000 đồng.
Rạng sáng 30-9, gió kèm theo mưa lớn đã bắt đầu đổ về thành phố Hạ Long. Do không được cảnh báo, trên cầu Bãi Cháy một vài phụ nữ điều khiển xe máy đã bị gió to thổi ngã ngay trên cầu. Nhận được sự giúp đỡ tích cực của người đi đường và lực lượng CSGT - CATP Hạ Long những "nạn nhân" đầu tiên của cơn bão số 5 cũng qua cầu an toàn. Đúng 9h, CSGT và TTGT tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành phong tỏa hai đầu cầu Bãi Cháy, nghiêm cấm người và mọi phương tiện xe máy, xe thô sơ qua cầu. Tại hai đầu cầu, lực lượng chức năng đã bố trí hai xe tải chở người và xe máy miễn phí qua cầu. Tuy nhiên, vì lượng "cung không đủ cầu", chỉ khoảng 30 phút sau khu vực trên xuất hiện nhiều xe tải của tư thương mở "dịch vụ" qua cầu Bãi Cháy với giá cắt cổ. Cứ mỗi một xe máy, thu 50.000 đồng mà có cảm giác lúc nào cũng đắt hàng. Cứ mỗi chuyến tăng - bo như vậy một xe tải chở được 6 - 8 xe máy và người thu về từ 300 - 500 nghìn đồng. Đáng chú ý, vụ việc diễn ra ngay trước mắt CSGT và TTGT trực hai đầu cầu Bãi Cháy.
Cũng vào thời gian tương tự, từ 7 giờ sáng bão số 5 bắt đầu đổ bộ lên huyện đảo Cô Tô kèm theo sức gió mạnh cấp 12, giật trên cấp 12. Sau ba tiếng quần thảo trên khu vực đảo lượng mưa trung bình đo được khoảng 115 - 120mm, đến khoảng 14 giờ cùng ngày, sức gió ở Cô Tô đo được khoảng cấp 4, 5, giật cấp 6 nhưng biển vẫn động rất mạnh. Thống kê ban đầu, toàn đảo có 40 nhà bị tốc mái, 8 tàu bị đắm, 3 mảng và 6 mủng bị vỡ, va đập và trôi dạt. Tại xã Thanh Lân, một cột viễn thông của VNPT bị đổ. Ông Bùi Thế Tuân, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường, huyện Cô Tô cho biết, khoảng 6 - 7 giờ sáng 30-9, khi bão bắt đầu đổ bộ vào vùng biển Cô Tô, tàu cá của ông Mai Công Điệp bị mất liên lạc. Chiếc tàu cá này do ông Vũ Văn Lộc làm thuyền trưởng. Trên tàu lúc đó ngoài ông Lộc còn có một thuyền viên khác chưa xác định được danh tính. Đến 12 giờ 10 phút cùng ngày, huyện đã liên lạc được với tàu cá của ông Lộc. Theo thông tin của 2 người trên tàu cho biết, trước sức gió mạnh cấp 12, giật trên cấp 12, cộng với biển động dữ dội, tàu cá trên đã bị trôi dạt đến đảo Hòn Gót, thuộc địa phận Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Trong chiều 30-9 Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện đã liên lạc với Bộ đội Biên phòng lên phương án lai dắt, đưa tàu vào bờ.
Ông Phạm Đình Hòa, Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh cho biết, tâm bão được xác định là từ Vân Đồn đến Hạ Long, bao gồm các huyện Vân Đồn, Cửa Ông, Cẩm Phả và thành phố Hạ Long. Thống kê ban đầu cho thấy, toàn tỉnh có 212 nhà bị tốc mái, 5 tàu thuyền bị chìm, 22 bè mảng bị vỡ, 1 cột viễn thông bị đổ. Hiện chưa có thông tin thiệt hại về người.
Thông tin về hàng chục hộ dân tại tổ 1, khu 1 phường Cửa Ông, thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh trong sáng 30-9 bất ngờ phải sống trong cảnh ngập lụt, nước dâng vào nhà tới ngang thắt lưng là thông tin đáng chú ý nhất ghi nhận được tại tâm bão Quảng Ninh. Nhóm PV Báo Hànộimới có mặt tại khu vực trên đúng vào lúc người dân cuối cùng là mẹ con bà cháu chị Nguyễn Thị Hoa đang tất tả lo dọn đồ đạc di dời về nhà người thân ở Cẩm Phả. Không giấu nổi lo lắng, chị Hoa cho biết, khi mưa lớn bắt đầu đổ về toàn bộ khu nhà chị đang ở gồm hơn chục hộ dân tự nhiên ngập trong biển nước. Tất cả các hộ dân vội vã sơ tán đến nhà người quen để chạy lụt. Do còn con nhỏ mới 2 tuổi là cháu Phạm Tuấn Minh với đủ thứ đồ đi kèm nên chị Hoa gần như là người cuối cùng rời khỏi khu vực nguy hiểm trên.
Cho đến cuối giờ chiều 30-9, cả khu vực tổ 1, khu 1 phường Cửa Ông dường như đã sơ tán hết, nhà cửa được khóa trái, những đồ đạc không thể cất được vào trong nhà như chồng than tổ ong, bó củi xếp bên hiên đã được các hộ dân giằng lại cẩn thận. Gia đình bà Hoàng Thị Chiên có lẽ là gia đình duy nhất còn bám trụ tại khu vực trên vì lý do không còn chỗ nào để sơ tán và cũng chẳng biết sơ tán đi đâu vì chính quyền địa phương không thấy đề cập đến việc bố trí chỗ ở cho gia đình. Trao đổi với PV, bà Hoàng Thị Chiên bức xúc: "40 năm qua, gia đình chúng tôi sinh sống tại khu vực trên mà chưa hề phải sống trong cảnh ngập lụt này. Sau khi cơn bão số 5 đi qua ít giờ, cũng thấy lãnh đạo thị xã Cẩm Phả vào kiểm tra rồi về ngay". Tất tả dẫn chúng tôi đi thăm toàn cảnh căn nhà cùng vườn cây ngập trong biển nước, bà Chiên chỉ vào nồi cơm trống trơn với lo lắng: "Đành phải ăn cơm nguội từ hôm trước thôi vì chả còn chỗ nào nấu nướng". Trong cảnh ngập lụt không biết đến khi nào dứt này, những lo lắng của gia đình như bà Chiên đang đòi hỏi được chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn nữa.
Nguyên nhân khiến hàng chục hộ dân phường Cửa Ông phải sống trong cảnh ngập lụt là do sống ngay dưới chân núi bãi thải của Công ty than Cọc Sáu. Sáng 30-9 khi trời mưa tầm tã, trong khi bãi thải mỏ than dồn nước từ trên khe núi xuống, tại QL 18, do đoạn đường cống đang thi công nên dòng chảy bị tắc. Khu vực trên cũng nằm trong đoạn đường có nguy cơ sạt lở cao, chính vì thế trong chiều 30-9, mặc dù diễn biến của bão số 5 vẫn khó lường hàng chục công nhân vẫn có mặt tại khu vực trên đổ hàng xe đá xuống khu vực cống đang thi công để tránh tình trạng sạt lở. Lực lượng CSGT - CA tỉnh Quảng Ninh cũng điều số lượng đến khu vực trên phân luồng, bảo đảm giao thông trên QL18 được thông suốt.
Từ thực tế diễn biến cơn bão số 5 vừa qua, có thể thấy rằng vẫn còn nhiều mối lo toan cần rút kinh nghiệm. Từ công tác dự báo đến việc chỉ đạo các cấp, các ngành trong việc lo cho dân trong vùng bão. Nhưng dù sao cũng phải ghi nhận việc phòng còn hơn chống đã được triển khai rất tốt trong bão dữ vừa qua.