Vì mục tiêu minh bạch, gần dân
Đời sống - Ngày đăng : 07:03, 01/10/2011
Theo Sở Thông tin - Truyền thông, đến nay, tất cả các quận, huyện, sở, ngành của TP Hồ Chí Minh đều đã ứng dụng "hệ thống một cửa" dưới sự hỗ trợ của CNTT vào tác nghiệp. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4 (www.ict-hcm.gov.vn), mức cao nhất của hệ thống chính quyền điện tử (CQĐT). Theo đó, các hoạt động như chấp thuận họp báo, hội nghị, hội thảo có yếu tố nước ngoài; cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; cấp phép trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet, đều được thực hiện qua môi trường điện tử. Người dân và doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ và nhận giấy phép qua internet mà không cần liên hệ trực tiếp, kể cả các giao dịch phát sinh trong quá trình xử lý cũng như các yêu cầu bổ sung hồ sơ nếu có. Thời hạn có kết quả trả lời từ 3-10 ngày làm việc, tùy từng lĩnh vực.
Ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính tại Chi cục Thuế quận Gò Vấp (Cục Thuế TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Tứ Hải |
Để thực hiện mục tiêu "minh bạch, gần dân" khi triển khai CQĐT, lĩnh vực được TP Hồ Chí Minh triển khai quyết liệt những năm gần đây là giải quyết các thủ tục liên quan đến quản lý đô thị. Việc xin cấp giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất đã thuận lợi hơn so với trước. Thủ tục trong khi thời gian xử lý hồ sơ của cán bộ, công chức đã giảm từ 30-50%... Nhiều lĩnh vực hành chính công như thuế, đăng ký lập doanh nghiệp, quy hoạch, thủ tục khiếu nại - tố cáo… đều được đưa công khai trên mạng, giúp người dân thuận tiện khi tra xét. Tính đến tháng 9-2011, tỷ lệ hồ sơ của dân được trả lời đúng hẹn trên toàn địa bàn đạt 73%.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở TTTT cho biết, TP Hồ Chí Minh đang tích cực sử dụng phần mềm nguồn mở trong xây dựng hệ thống cổng thông tin điện tử, phần mềm chuyên ngành. Ứng dụng phần mềm nguồn mở, ngoài việc tiết kiệm cho ngân sách 280 tỷ đồng tiền bản quyền, còn là cơ hội để phát triển nguồn nhân lực, sở hữu công nghệ, an ninh mạng ở địa phương.
Một trong những đơn vị nhiều năm qua luôn được đánh giá cao về ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính là UBND quận 1. Ngoài những việc như tổ chức đăng ký kinh doanh qua mạng, hộp thư trả lời tự động hướng dẫn thủ tục hành chính và tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ qua điện thoại, gần đây, quận 1 đã triển khai dịch vụ công đăng ký cấp bản sao giấy tờ hộ tịch qua mạng áp dụng ở cả 10 phường trong quận. Hầu hết các phường, ngành tại quận 1 đã có hệ thống mạng cục bộ giúp việc trao đổi dữ liệu dễ dàng hơn giữa các bộ phận, có tính liên thông trong nhiều lĩnh vực giúp quá trình xử lý hồ sơ, ra quyết định rút ngắn được nhiều thời gian so với trước… Nhiều đơn vị như Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Cục Thuế, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận Thủ Đức, quận 2, huyện Nhà Bè cũng có nhiều thành công trong ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính. Được biết, hiện nhiều địa phương như Bình Dương, Sóc Trăng, Trà Vinh đã triển khai CQĐT theo mô hình và phần mềm của TP Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: "Chúng tôi đã đề xuất với Bộ Thông tin Truyền thông về việc sẵn sàng chuyển giao công nghệ xây dựng CQĐT cho các địa phương trên cả nước.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà đã chỉ đạo Sở Kế hoạch Đầu tư phối hợp với Sở TTTT thực hiện công khai thông tin về tình trạng giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư trên trang thông tin điện tử của TP từ ngày 20-10-2011. Nhiều khả năng, trong năm 2011, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng sẽ được triển khai, tạo thuận lợi cho việc lập doanh nghiệp khi công dân có nhu cầu. Ngoài ra, các dịch vụ công đang dần được chuyển sang nội dung số trên nền 3G để người dân có thể sử dụng thông qua điện thoại di động. Đây cũng là bước tiến quan trọng để TP hướng đến một CQĐT toàn diện trong những năm tới.