Vì sao “đến hẹn lại… ngập”?
Đời sống - Ngày đăng : 07:01, 01/10/2011
Đê bao chắp vá
Trong đợt triều cường cuối tháng 9, một đoạn bờ bao thuộc khu phố (KP) 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức bị vỡ gần 1m, nhiều bờ bao khác bị nước tràn khiến cả trăm hộ dân bị ngập nặng. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng vỡ bờ bao mà vẫn là “đến hẹn lại… ngập” trong những tháng cuối năm của các hộ dân sống hai bên bờ sông Sài Gòn.
Người dân gia cố lại bờ bao bị vỡ ở quận 12. |
“Không hiểu sao năm nay mới tháng 9 mà triều cường lại ngập nhiều như vậy”, chị Phương, nhà ở đường 27, khu phố 9, phường Hiệp Bình Chánh băn khoăn… Cùng với đó là tâm trạng bất an khi hệ thống bờ bao khu vực này chỉ được đắp bằng đất với bao tải cát và đang sạt lở dần. “Ban đêm tui thao thức không dám ngủ. Đây là sông cái chứ đâu phải sông con, nếu bị vỡ bờ nước tràn vào thì khỏi còn đường chạy”, chị Phương lo lắng. Thực tế, theo quan sát của người viết thì không chỉ sạt lở mà nhiều đường nứt vỡ đã xuất hiện dọc bờ bao khu vực này. Anh Dương Văn Bảy, tổ phó tổ 57, khu phố 9 lo lắng cho rằng, bờ đê quá yếu, cần phải xây dựng hệ thống bờ bao bằng bê tông (tường chắn) vững chắc mới chống chọi nổi với nước triều chứ không phải làm theo kiểu gia cố, đắp bồi như lâu nay.
Ghi nhận ngày 30-9 tại khu vực phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, nhiều đoạn bờ bao đã được đầu tư gia cố bằng bê tông tường chắn, nhưng xen giữa vẫn là những đoạn đắp bằng bùn đất. Ở một số tuyến bờ bao như Rạch Lò Vôi, Rạch Đĩa, Rạch Bằng Hòn, Rạch Võ… do bờ bao chỉ là bùn đất và bao tải cát nên nguy cơ tràn và vỡ bờ bao rất lớn khi triều cường dâng cao. Tại khu vực Lò Vôi (khu phố 9, phường Hiệp Bình Chánh), không chỉ đê bao yếu mà những chiếc sà lan hút cát cặp dài theo bờ sông, ngoạm cả vào đê bao cũng khiến người dân lo lắng, bởi những chiếc sà lan khi hút cát sẽ tạo dòng xoáy, càng tạo áp lực gây vỡ bờ bao. Người dân cho biết là đã phản ánh nhiều lần nhưng tình trạng trên vẫn không được cơ quan chức năng xử lý.
Đủng đỉnh phòng chống
Triều cường năm sau luôn cao hơn năm trước và gây tổn thất nặng nề cho người dân. Thế nhưng các chủ đầu tư xem ra vẫn đủng đỉnh xây dựng bờ bao chống triều cường. Tuyến bờ bao bị tràn bờ sáng 28-9 thuộc hạng mục thi công Rạch Ụ của công trình đê bao ngăn lũ sông Sài Gòn do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quận Thủ Đức làm chủ đầu tư. Cả năm qua, dù người dân đã nhiều lần kiến nghị lên phường yêu cầu triển khai nhanh việc gia cố tuyến đê nhưng chẳng thấy ai đả động gì cho đến khi xảy ra vụ vỡ bờ ngày 28-9.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP, nhiều công trình xây dựng từ những năm trước vẫn chưa thực hiện xong. Cụ thể, với 135 công trình bờ bao phòng, chống triều cường, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước của năm 2008, hiện mới chỉ thi công hoàn thành 130 công trình; còn năm 2009 là 116/125 công trình. Lý do là thiếu vốn và đặc biệt là vướng giải phóng mặt bằng. Trong năm 2010, do nền kinh tế khó khăn, không bố trí được vốn nên các công trình đê bao phải dừng lại.
Năm 2011, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương và giải pháp kỹ thuật triển khai đầu tư 59 công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước, bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn cho 10 quận, huyện. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 7 công trình được đưa vào sử dụng, 5 công trình đang triển khai, còn lại 47 công trình mới chỉ ở giai đoạn lập và thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Tuy nhiên, các công trình trên chỉ là các công trình nhỏ để giảm ngập cấp bách. Công trình giảm ngập úng do triều cường toàn diện nhất là dự án thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn thuộc Quy hoạch chống ngập vùng của TP Hồ Chí Minh, do BQL dự án Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 454 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn ngân sách TP hơn 223 tỷ đồng và vốn trung ương (vốn ODA thông qua cơ quan Phát triển Pháp - AFD) gần 230 tỷ đồng. Công trình sẽ xây dựng 66,8km đê bao và 211 cống ngăn lũ tự động, có thể kháng cự với mực nước triều lên đến 2,2m (hiện kỷ lục triều chưa đến 1,6m) để bảo vệ các quận 12, Gò Vấp, huyện Củ Chi, Hóc Môn. Tuy nhiên, hiện dự án này cũng đang chậm trễ chưa biết khi nào xong vì chủ đầu tư thay đổi thiết kế và vướng mắc giải phóng mặt bằng.
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, đỉnh triều cường tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn năm sau thường cao hơn năm trước. Trong khi đó, đỉnh triều cao nhất thường rơi vào tháng 12. Vì vậy, những ngày khổ sở vì triều cường của người dân TP còn ở phía trước, trong khi các dự án ngăn triều vẫn… chưa biết khi nào hoàn thành!