Chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng đối thoại, tranh luận
Chính trị - Ngày đăng : 06:48, 01/10/2011
Dự án Luật Giáo dục ĐH có nhiều điểm mới như bổ sung quy định về cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh; cấp kinh phí cho các cơ sở giáo dục ĐH tư thục khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng, ưu tiên thành lập cơ sở giáo dục ĐH tư thục có vốn đầu tư lớn, bảo đảm đầy đủ các điều kiện thành lập theo quy định…
Thẩm tra về dự án này, Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận định: Nhiều chủ trương, chính sách quan trọng như xã hội hóa giáo dục, phân tầng các cơ sở giáo dục ĐH và trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH còn chưa được thể chế hóa. Một số vấn đề lớn của giáo dục ĐH như về mô hình tổ chức hoạt động, kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo quốc tế… vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, triệt để. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ tiêu chí về cơ sở giáo dục "phi lợi nhuận" và cơ sở giáo dục "có lợi nhuận hợp lý", quy định rõ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.
Đối với đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, có nhiều nội dung được các thành viên ủy ban đề nghị thực hiện ngay từ kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII được tổ chức vào tháng 10 này. Cụ thể, QH sẽ đổi mới việc chuẩn bị và trình tờ trình, báo cáo, dự án theo hướng tóm tắt nội dung và rút ngắn thời gian trình bày tại hội trường; việc tổ chức thảo luận tại tổ và tại các phiên họp toàn thể được thực hiện dưới hình thức trình bày thẳng vào nội dung. Đặc biệt, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn một nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm sẽ được thực hiện lần lượt theo từng nhóm vấn đề, theo hướng đối thoại, tranh luận. ĐBQH sẽ đăng ký chất vấn theo nhóm vấn đề, thời gian tối đa 2 phút cho một lần hỏi. Người trả lời chất vấn cũng cần trả lời trực tiếp vào nội dung câu hỏi, thời gian trả lời theo yêu cầu của chủ tọa. QH sẽ dành toàn bộ thời gian tại hội trường cho việc trả lời câu hỏi trực tiếp của đại biểu…
Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri, cách thức tổ chức sẽ được đổi mới theo hướng thông báo rộng rãi, công khai và tạo điều kiện để mọi người dân có thể dự các cuộc tiếp xúc trước và sau kỳ họp. Bảo đảm để ĐBQH có điều kiện trực tiếp tiếp xúc với cử tri thuộc mọi tầng lớp nhân dân. Không chỉ tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp, tiến tới QH sẽ tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà ĐBQH lựa chọn, bổ sung hình thức tiếp xúc qua điện thoại, thư, báo…