Cán bộ thờ ơ, người dân “đỏ mắt” chờ!
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:26, 01/10/2011
Cán bộ thờ ơ, thiếu trách nhiệm
Theo chân Trưởng thôn Chiều Đông (xã Cổ Đông) Hà Văn Vôm, chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Thị Tét (98 tuổi). Buổi sáng các con, các cháu đi vắng, chỉ có mình cụ ở nhà. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 vừa được xã hỗ trợ kinh phí sửa chữa lại, cụ nghẹn ngào: "Tổng diện tích mảnh đất này của gia đình tôi khoảng 1.000m2. Chẳng hiểu sao trên bản đồ 299 lại nhầm sang tên ông Cấn Văn Hòa - hộ liền kề. Tuy nhiên, ông Hòa đã có đơn xác nhận không phải đất của gia đình ông và mặc dù đã rất nhiều lần cán bộ xã, thị xã về xác minh, nhưng đến nay gia đình tôi vẫn chưa được cấp "sổ đỏ?"
Ở tuổi “gần đất, xa trời”, cụ Nguyễn Thị Tét ngày đêm mong mảnh đất của gia đình được cấp sổ đỏ. |
Bà Khuất Thị Cẳm (76 tuổi), cũng ở thôn Chiều Đông cho biết: Diện tích mảnh đất của gia đình bà đang ở hiện nay khoảng 3 sào. Gia đình bà đã sinh sống ở đây trên 40 năm; mảnh đất này mua của gia đình ông Kiều Văn Thực người trong thôn, hiện vẫn còn sống. Do chiến tranh nên giấy tờ bị thất lạc, nhưng ông Thực đã xác nhận đầy đủ và UBND xã đã lập hồ sơ để cấp GCNQSD đất. Sau đó, lại phát hiện trên bản đồ 299 đứng tên con trai cả của bà là Long (trước đây ở các vùng quê, người ta hay gọi bố, mẹ gia đình nào đó bằng đại từ nhân xưng như bác, ông, bà gắn với tên người con trai cả - PV) nên gia đình lại phải bổ sung biên bản họp gia đình để khẳng định mảnh đất là đứng tên bà nhằm hoàn thiện hồ sơ. Tuy nhiên, chờ mãi mà gia đình vẫn chưa nhận được "sổ đỏ".
Tìm hiểu các tài liệu liên quan đến việc cấp "sổ đỏ" ở thị xã Sơn Tây, chỉ tính riêng xã Cổ Đông còn tồn đọng 383 hồ sơ xin cấp "sổ đỏ" mặc dù đã hoàn tất thủ tục. Trong đó, không ít trường hợp nộp hồ sơ tại Trung tâm giao dịch hành chính một cửa, một cửa liên thông của UBND thị xã Sơn Tây đã hơn 1 năm như: hộ ông Nguyễn Văn Thuận - Nguyễn Thị Lan, ở thôn Cổ Liễn, nộp hồ sơ ngày 18-9-2010; hộ ông Nguyễn Văn Chắt - Nguyễn Thị Thinh, thôn Cổ Liễn, nộp hồ sơ ngày 29-10-2010;… nhưng đến nay vẫn "bặt vô âm tín".
Trao đổi với bà Phan Thị Hảo, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây về vấn đề chậm trễ trong việc cấp "sổ đỏ" trên địa bàn thị xã, bà Hảo thừa nhận là có một bộ phận cán bộ chuyên môn của thị xã Sơn Tây còn thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc, không hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân đầy đủ về thủ tục khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp GCNQSD đất nên có tình trạng gần hết thời hạn theo giấy hẹn lại yêu cầu bổ sung hồ sơ khiến nhân dân bức xúc; hoặc nhiều hồ sơ trình ký nhưng diện tích đất ở không theo quy định về hạn mức, không xác định vị trí công trình nhà ở trên sơ đồ thửa đất nên phải trả lại hồ sơ để điều chỉnh, bổ sung…
Từ thực tế trên phần nào đã lý giải được rằng, vì sao người ta cứ gọi kế hoạch cấp GCNQSD đất của thị xã Sơn Tây là "kế hoạch trên giấy". Bởi ngày 19-1-2011, UBND thị xã Sơn Tây đã lập kế hoạch và giao chỉ tiêu cấp GCNQSD đất và tài sản gắn liền với đất (lần đầu) năm 2011 cho UBND các xã, phường trên địa bàn thị xã. Theo kế hoạch, tổng số "sổ đỏ" được cấp lần đầu trong năm 2011 của toàn thị xã là 4.107, trong đó tập trung nhiều nhất tại các xã: Đường Lâm (512 sổ), Sơn Đông (480 sổ), Cổ Đông (430 sổ)… Nhưng tính đến hết tháng 8-2011, thị xã Sơn Tây mới cấp được 200 "sổ đỏ" lần đầu.
... Và những bất cập
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Phan Thị Hảo nhấn mạnh, nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm chễ trong việc cấp "sổ đỏ" ở Sơn Tây vẫn là sự không thống nhất trong hướng dẫn thực hiện việc xác định ranh giới giữa đất ở và các loại đất khác trên cùng thửa đất trong GCNQSD đất. Bà Hảo dẫn chứng: Tại Kết luận số 71/KL-TT, ngày 23-7-2007, của Thanh tra tỉnh Hà Tây (cũ) về việc "Thanh tra công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn thị xã Sơn Tây" và Kết luận số 40/KL-UBKTTU, ngày 3-6-2010, của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy về "Dấu hiệu vi phạm trong quản lý đất đai ở Sơn Tây" đã yêu cầu UBND thị xã Sơn Tây phải xác định rõ vị trí đất ở, đất vườn và vẽ sơ đồ thửa đất để bảo đảm tính pháp lý của GCNQSD đất và định hướng cho các hộ dân có căn cứ sử dụng đất đúng mục đích, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, tại Văn bản số 794/TCQLĐĐ-CĐKTK ngày 19-7-2011, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lại cho rằng: "Theo quy định tại Điều 87 của Luật Đất đai, Khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 25-5-2009 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp GCNQSD đất, thu hồi đất, thực hiện QSD đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai thì đất vườn (trồng cây hằng năm hoặc trồng cây lâu năm) và ao gắn liền với nhà ở trong khu dân của cùng một hộ gia đình, cá nhân được xác định là một thửa đất mà không bắt buộc phải đo vẽ tách thành các thửa riêng". Còn Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lại chỉ "đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn xem xét, nghiên cứu Văn bản số 794/TCQLĐĐ-CĐKTK ngày 19-7-2011 của Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ TN&MT". Sự không thống nhất như trên "khiến UBND thị xã Sơn Tây không biết căn cứ vào đâu để thực hiện" - bà Hảo bức xúc.
Bên cạnh đó, quy định về hạn mức đất ở của UBND TP Hà Nội trong Quyết định số 58/2009/QĐ-UBND, ngày 30-3-2009, áp dụng chung cho toàn địa bàn thị xã Sơn Tây là 180m2; trong khi trước đây, đối với các xã trên địa bàn thị xã vẫn cấp 300m2 đất ở cho một GCN cũng là một nguyên nhân của sự chậm trễ vì nhân dân của các xã không nhất trí với quy định này. Bà Hảo cho biết, UBND thị xã đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội điều chỉnh hạn mức đất ở đối với các xã trên địa bàn lên 300m2. Nhưng Sở TN&MT Hà Nội yêu cầu vẫn thực hiện công nhận hạn mức đất ở theo Quyết định 58/2009/QĐ-UBND, Sở sẽ có trách nhiệm báo cáo thành phố nhưng đến nay UBND thị xã vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về vấn đề này.
Chúng tôi đã trao đổi với nhiều hộ dân ở các xã trên địa bàn thị xã Sơn Tây, họ đều có chung một câu hỏi: "Nếu quy định chúng tôi chỉ được hạn mức 180m2 đất ở như các hộ dân tại các phường, vậy khi Nhà nước thu hồi đất, chúng tôi có được đền bù theo khung giá đối với đất đô thị không?" Trong khi pháp luật về đất đai không quy định phải xác định ranh giới giữa đất ở với các loại đất khác trong sơ đồ thửa đất thì tại sao UBND thị xã Sơn Tây cứ "mua dây buộc mình"? "Nếu cán bộ chuyên môn thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc, lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây cần phải có biện pháp cứng rắn để chấn chỉnh, xử lý, thậm chí kể cả cho thôi việc!".
Ngoài ra, còn không ít ý kiến phản ánh của người dân xung quanh chuyện cấp "sổ đỏ" trên địa bàn thị xã Sơn Tây như: có trường hợp "bị" cán bộ trả hồ sơ lại, nhưng sau đó "đi" theo "cửa khác" thì lại được cấp; nhiều trường hợp chủ thửa đất trong làng, trong xã tách mảnh đất của gia đình mình ra chuyển nhượng cho người ở nơi khác đến, thì người ở nơi khác lại sớm nhận được "sổ đỏ" còn chính chủ thì vẫn cứ "dài cổ" chờ, cho dù cùng là xin cấp lần đầu; rồi có trường hợp ở nơi khác mua đất ở địa phương mặc dù chưa có xác nhận của cơ sở nhưng vẫn có "sổ đỏ"… Tất cả những phản ánh trên xin được gửi đến các cơ quan chức năng của thành phố và thị xã Sơn Tây để được làm rõ.