Hà Nội: Chủ động ứng phó với ảnh hưởng của bão

Đời sống - Ngày đăng : 21:32, 30/09/2011

(HNMO)- Chiều tối hôm nay (30-9), Ban Chỉ huy PCLB Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã tổ chức họp khẩn nhằm bàn biện pháp đối phó với những ảnh hưởng của bão số 5…

Thường trực văn phòng Ban chỉ huy PCLB Hà Nội cho biết, lượng mưa do bão đến chiều tối nay, phổ biến khoảng 8mm đến 10mm, tuy nhiên đã có gió giật cấp 6-7. Dự báo, lượng mưa trên địa bàn thành phố trong đêm 30-9 và ngày mai 1-10 đạt khoảng 40- 70mm. Mực nước các sông vẫn ở mức rất thấp và biến đổi chậm. Tuy nhiên, nước tại các hồ lớn lại rất cao, một số hồ đã tràn, như: Văn Sơn, Suối Hai, Đồng Sương … Tại khu vực nội thành, đến chiều tối nay, 59 hồ khu vực nội thành đã hạ nước xuống mức tối đa, sẵn sàng tích nước cho những trận mưa lớn, đồng thời các đơn vị đã nạo vét 12 điểm đen về úng ngập.

Tại các huyện ngoại thành, hầu hết còn 80-100% diện tích lúa mùa chưa gặt. Tuy nhiên, đáng lo ngại, ở một số địa phương mặc dù đã có thể thu hoạch lúa mùa, nhưng do chủ quan đã biện lý do thiếu lực lượng, không có chỗ để nên không tổ chức thu hoạch lúa. Trong khi, các hồ đã đạt ngưỡng, nếu mưa lớn cùng với nước thượng nguồn dồn về có thể sẽ gây thiệt hại về mùa màng.

Chính về thế, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu phải vận hành xả ngầm và vận hành theo đúng cơ chế đã quy định tại các hồ chứa ở khu vực ngoại thành. Dự báo, trong ngày kia (2-10), sẽ có đợt không khí lạnh tràn xuống, gây mưa nhiều hơn, do đó các ngành, các địa phương trên địa bàn thành phố tập trung chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội, thanh niên, học sinh, sinh viên… hỗ trợ nhân dân thu hoạch lúa mùa nhằm hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng nhấn mạnh: Cần chuẩn bị với tinh thần cao nhất để ứng phó với mưa có thể dẫn đến ngập úng cục bộ ở những điểm nút giao thông, khu dân cư cũ. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và người dân xác định rõ tinh thần chủ động ứng phó cao nhất, không được chủ quan. Tại các điểm có khả năng úng ngập, phải chuẩn bị phương tiện dự phòng như xe buýt để đưa người dân qua, những hố ga mất nắp phải cử người túc trực. Ngoài ra, các ngành như: y tế, thông tin liên lạc, công thương, điện, an ninh trật tự, hậu cần... phải chuẩn bị phương án sẵn sàng để ứng phó với những tình huống xấu nhất.

Đ.H