Thêm một trí tuệ Việt Nam được vinh danh
Giáo dục - Ngày đăng : 14:30, 30/09/2011
Đầu tháng 9 vừa qua, công trình nghiên cứu “Mô hình lưu lượng dòng chảy đo lường lượng nước có thể sử dụng cho sản xuất nông nghiệp và lượng nước cần dự trữ để bảo vệ môi trường”, được vinh dự trao giải thưởng Eureka 2011 - giải thưởng khoa học uy tín và danh giá nhất Australia, trong lĩnh vực quản lý và sử dụng nguồn nước. TS. Chu Hoàng Long, Đại học Quốc gia Australia (ANU), là đồng tác giả người Việt duy nhất được nhận giải. Thêm một tài năng và trí tuệ của người Việt được vinh danh trong nền khoa học quốc tế.
TS. Chu Hoàng Long chia sẻ: Tôi rất vui mừng, vì những nỗ lực của cả nhóm nghiên cứu, trong đó có bản thân tôi được giới khoa học ghi nhận. Và sau đó, chắc cũng giống mọi người khi đón nhận tin vui, tôi nhớ đến những người thân, các bạn bè, đồng nghiệp ở Australia cũng như ở Việt Nam đã từng hỗ trợ, giúp đỡ tôi rất nhiệt tình.
PV: Trên cơ sở nào nhóm nghiên cứu quyết định chọn lĩnh vực này để nghiên cứu, thưa ông?
TS. Chu Hoàng Long: Một trong những vấn đề liên quan đến quản lý tài nguyên nước là cân đối giữa nước dành cho dân sinh, và nước dành cho môi trường. Ở hầu hết các hệ thống sông trên thế giới, rất nhiều đập lớn được xây dựng để trữ nước, và từ những con đập này, nước được phân bổ cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt.
Điều này, một phần giúp thỏa mãn nhu cầu sử dụng nước của con người, nhưng đồng thời cũng gây ra những tác động không nhỏ tới môi trường, ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của người dân như: chế độ thủy văn bị đảo lộn, hệ thống sông bị cạn kiệt, các loài thủy sản không còn môi trường phát triển, các vùng sinh thái bị ảnh hưởng… Trong nhiều trường hợp, các tác động về môi trường là khá lớn, đặc biệt trong những giai đoạn thời tiết không thuận lợi, khô hạn có thể kéo dài 8 - 10 năm.
Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước cần có công cụ để xác định mức độ phân bổ nguồn nước một cách tối ưu. Đề án nghiên cứu của chúng tôi đã đưa ra một lời giải cho bài toán này.
TS. Chu Hoàng Long (phải) trong buổi lễ trao giải (Ảnh nhân vật cung cấp)
PV: Xin ông cho biết kết quả nghiên cứu của đề tài này và ý nghĩa thực tiễn của nó?
TS. Chu Hoàng Long: Nhóm nghiên cứu đã phát triển một mô hình, giúp xác định phân bổ nguồn nước thế nào để tối ưu hóa lợi ích của xã hội, trong khi vẫn đảm bảo tính bền vững của môi trường.
Mô hình này có thể áp dụng cho tất cả các hệ thống thủy lợi trên thế giới. Nếu muốn áp dụng vào khu vực nào, ta chỉ cần tính toán các tham số tương ứng với khu vực đó và đưa vào mô hình, để tính ra cách phân bổ nguồn nước. Để minh họa, mô hình được áp dụng cho một trường hợp cụ thể là vùng Murray Darling của Australia.
Các phân tích cho thấy, việc ứng dụng kết quả của mô hình trong giai đoạn 2001 - 2009 tại vùng Murray Darling sẽ giúp tăng lợi ích ròng của xã hội lên khoảng từ 500 triệu đến 3 tỷ USD, so với những gì đã thực sự đã diễn ra trong cùng thời gian.
PV: Theo quan điểm của ông, đề tài nghiên cứu này sẽ có những tác động và hỗ trợ cho quá trình ra quyết định của các nhà hoạch định chính sách như thế nào?
TS. Chu Hoàng Long: Trường Kinh tế Quản trị Crawford của Đại học Quốc gia Australia, nơi tôi đang làm việc, là một trường chuyên tập trung đào tạo và nghiên cứu ứng dụng cho chính sách. Đề tài trên là một trong những hoạt động thuộc loại này, vì kết quả nghiên cứu không bó hẹp trong phạm vi khoa học thuần túy, mà còn nhằm tạo ra sự thay đổi trong chính sách quản lý nguồn nước và môi trường.
Ý nghĩa thực tiễn của đề tài là đã đưa ra một công cụ hiện thực cho các nhà hoạch định chính sách, để xác định cách thức phân bổ tài nguyên nước một cách tối ưu. Ngoài ra, kết quả của mô hình còn cho thấy, cách thức phân bổ tài nguyên nước cho môi trường nên được thực hiện theo chu kỳ.
Nói cách khác, khi có thể kiểm soát lưu lượng dòng chảy của các con sông, con người nên tạo ra chế độ thủy văn (ví dụ khoảng cách giữa 2 đợt lũ), gần giống như chế độ thủy văn trước khi các đập chứa nước được xây dựng. Điều này góp phần khẳng định một thực tế, là để tối ưu hóa lợi ích của chính mình, con người không nên đi ngược lại với tự nhiên.
PV: Đánh giá của các nhà khoa học chuyên ngành đối với đề tài nghiên cứu này như thế nào, thưa ông?
TS. Chu Hoàng Long: Việc đề tài được trao giải thưởng Eureka đã phần nào nói nên đánh giá tích cực của các nhà khoa học về nghiên cứu này. Theo như ông Frank Howarth, Giám đốc của Australia Museum: “Điều quan trọng là mô hình này có ý nghĩa toàn cầu, bởi nó có thể áp dụng cho tất cả các hệ thống sông trên thế giới. Đây cũng là mô hình đầu tiên trên thế giới giúp các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách có căn cứ khoa học để đưa ra quyết sách phân bố nguồn nước, có lợi cho cả môi trường và kinh tế”.
Toàn văn bài nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí “Water Resource Research” số 47, năm 2011. Đây là một trong những tạp chí quan trọng nhất về tài nguyên nước. Các bài được công bố trên tạp chí này đều phải trải qua quá trình phản biện độc lập.
Theo nguyên tắc, nhóm nghiên cứu không được biết ai là người phản biện bài viết của mình, nhưng chắc chắn họ đều là các chuyên gia tầm cỡ, nếu như không nói là hàng đầu thế giới. Ngay từ bản thảo đầu tiên, những nhà phản biện đều đã đánh giá cao về công trình này, chỉ gợi ý một số chỉnh sửa nhỏ để giúp người đọc dễ tiếp cận hơn với những khía cạnh kỹ thuật của bài viết.
PV: Ông có dự định thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng khoa học và tham gia giảng dạy tại Việt Nam trong tương lai hay không?
TS. Chu Hoàng Long: Ngoài nhu cầu cập nhật các tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu, tôi nghĩ, một người làm khoa học cũng có nhu cầu phổ biến những tiến bộ này, để góp phần nâng cao hiệu quả chung của xã hội. Vì vậy, tôi rất vui khi được tham gia vào công tác giảng dạy cũng như là các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học ở Việt Nam.
Sắp tới, tôi sẽ tham gia giảng một khóa học về các phương pháp định lượng kinh tế ở trong nước.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
TS. Chu Hoàng Long hiện là giảng viên của trường Kinh tế và Quản trị Crawford, thuộc Trường Đại học Quốc gia Australia (ANU). Anh từng tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, hoàn thành chương trình Thạc sĩ, Tiến sĩ Kinh tế tại ANU và đã công bố một số công trình nghiên cứu như: “Tối đa hóa lợi tức kinh tế”, “Mô hình kinh tế sinh học trong bảo tồn biển với những bất ổn môi trường”…