Ngoại hạng Anh - hình mẫu cho Công ty VPF

Thể thao - Ngày đăng : 11:15, 30/09/2011

FA Premier League (Ngoại hạng Anh) - giải VĐQG hấp dẫn nhất thế giới hiện nay - cũng nằm dưới sự quản lý và điều hành của một công ty riêng rẽ, hệt như đề án mà các ông bầu bóng đá Việt Nam vừa đề xuất với VFF.


Ý tưởng ly khai

Buổi giao thời của thập niên 1980 và 1990 chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của bóng đá Anh. Ở cấp độ ĐTQG, tuyển Anh thi đấu thành công và lọt vào tới bán kết World Cup 1990. Ở cấp CLB, sau khi được UEFA dỡ bỏ lệnh cấm vận thi đấu ở các Cup châu Âu trong năm năm vào năm 1990, bóng đá Anh có một đại diện là MU đoạt Cup C2 (giải đấu bị khai tử năm 1999).

Chiếc Cup C2 của MU năm 1991 và thành công của bóng đá Anh những năm đầu 1990 là cơ sở để các nhà làm bóng đá Anh khai sinh ra Premier League.


Những thành công ấy kéo theo việc doanh thu từ truyền hình ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bóng đá Anh. Năm 1988, khi kí hợp đồng mới về việc bán bản quyền truyền hình, Football League - hệ thống các giải bóng đá Anh, trong đó có giải vô địch quốc gia First Divison - nhận được tới 44 triệu bảng cho bản hợp đồng bốn năm, cao hơn đáng kể so với mức 6,3 triệu bảng trong hai năm từ 1986 đến 1988.

Song song với quá trình đàm phán bản hợp đồng bản quyền truyền hình đó, ý tưởng về một giải đấu ly khai với Football League cũng đã manh nha xuất hiện khi 10 CLB đòi tách ra và lập nên một giải đấu mới có tên là Super League, nhưng về sau được FA thuyết phục ở lại. Tuy nhiên, với đà đi lên của chất lượng, an ninh sân bãi, lượng người xem và doanh thu tăng vọt, những CLB hàng đầu bắt đầu xem xét một cách nghiêm túc việc tách khỏi Football League để tận dụng thời cơ kiếm tiền nhiều hơn từ dòng tiền ngày một lớn được bơm vào bóng đá Anh.

Ý tưởng ly khai đó một lần nữa được đặt ra trong cuộc gặp giữa Greg Dyke, Giám đốc điều hành London Weekend Television (LWT) - một chương trình truyền hình chuyên phát vào dịp cuối tuần - với đại diện năm CLB bóng đá lớn vào năm 1990. Cuộc gặp này đã dọn đường cho một thay đổi lịch sử. Dyke khi đó nhấn mạnh rằng sự ra đời của một giải đấu mới (về sau là giải Ngoại hạng) có lợi cho đôi bên, LWT sẽ kiếm tiền nhiều hơn nếu có một giải đấu chỉ gồm các CLB lớn được phát sóng trên truyền hình quốc gia, còn phía CLB cũng sẽ nhận được những khoản tiền lớn hơn rất nhiều từ việc bán bản quyền truyền hình.

Sự khác biệt cơ bản giữa giải đấu mới với hệ thống Football League là nguồn tiền đổ vào giải chỉ được phân chia trong nội bộ các CLB dự giải. Trong khi đó, miếng bánh quyền lợi này ở giải Vô địch Quốc gia cũ - First Divison - nhỏ hơn đáng kể, do nguồn tiền được chia đều cho mọi CLB trong Football League. Cả năm CLB đều nhận thấy đây là một ý tưởng tốt và quyết định xúc tiến việc thành lập một giải đấu ly khai.

Tuy nhiên, do ý thức rằng giải đấu mới sẽ không được tín nhiệm nếu thiếu sự ủng hộ từ LĐBĐ Anh (FA), đại diện Arsenal, David Dein, được giao nhiệm vụ tiếp xúc và thăm dò xem liệu FA có chấp nhận ý tưởng này hay không. Sẵn đang không thích mối quan hệ kiểu bằng mặt, không bằng lòng với Football League khi đó, FA nhanh chóng bật đèn xanh và xem sự ra đời của một giải đấu mới là cách tốt nhất để làm suy yếu vị thế của Football League.

Bước ngoặt lịch sử

Vào cuối mùa giải 1990-1991, đề án thành lập một giải đấu mới được chấp bút, với quan điểm chung rằng sẽ mang lại nhiều tiền hơn cho mỗi thành viên và gửi đến các CLB có liên quan để lấy ý kiến. Đến ngày 17/7/1991, những CLB hàng đầu của bóng đá Anh đã ký vào Thỏa thuận các thành viên sáng lập, tạo nên những nguyên tắc cơ bản cho việc thành lập giải đấu mới có tên là FA Premier League - giải Ngoại hạng Anh. Giải đấu mới hoàn toàn độc lập với FA và Football League, được chủ động đàm phán và quyết định về các hợp đồng phát sóng (phát thanh, truyền hình) và tài trợ. Vào thời điểm đó, các CLB ký thỏa thuận sáng lập đều nhấn mạnh rằng nguồn thu nhập tăng lên sẽ giúp họ cải thiện đáng kể sức cạnh tranh với các CLB khác khi tranh tài ở ba Cup châu Âu.

Bản quyền truyền hình là bầu sữa dồi dào cho các CLB Premier League.

Tháng 2/1992, các CLB dự giải Vô địch quốc gia First Divison cũ đồng loại rút lui khỏi Football League và đến ngày 27/5/1992, FA Premier League được thành lập với tư cách một Công ty trách nhiệm hữu hạn, có trụ sở riêng đặt tại Lancaster Gate, nơi về sau cũng được FA chọn làm đại bản doanh. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho bóng đá Anh, khi lần đầu tiên có tới bốn hạng đấu cao nhất cùng tồn tại. Premier League là giải Ngoại hạng, Football League giữ ba hạng đấu còn lại. Thể thức thi đấu, với số CLB dự mỗi hạng đấu, số đội lên xuống hạng giữa Premier League với First Divison vẫn được giữ nguyên, giống giữa First Divison (hạng Nhất) với Second Divison (hạng Nhì) cũ, với ba đội xuống hạng và ba đội lên hạng.

Thành công về tài chính và thể thao

Ngay từ khi ý tưởng thành lập giải Ngoại hạng mới manh nha trong nhóm năm CLB hàng đầu, hai đài truyền hình đã chạy đua quyết liệt để giành hợp đồng mua bản quyền phát sóng. ITV ban đầu đề nghị trả 205 triệu bảng, rồi sau đó nâng lên thành 262 triệu bảng. Nhưng nhờ sự hậu thuẫn của Alan Sugar, Chủ tịch Tottenham đồng thời là người đứng đầu nhóm năm CLB hàng đầu, SkyTV của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch đã giành được bản hợp đồng béo bở này, dù số tiền họ bỏ ra ít hơn - chỉ 191 triệu bảng trong năm năm.

Vào thời điểm đó, việc bắt người hâm mộ phải trả tiền để xem thể thao trên truyền hình còn là một khái niệm mới mẻ. Nhưng với cam kết từ phía các CLB dự giải về chất lượng của một giải bóng đá đỉnh cao cùng chiến lược tiếp thị được mô tả là bài bản của Sky khi ấy, giá trị của Premier League dần được thừa nhận rồi đem lại những nguồn thu khổng lồ. Năm 2007, khi đàm phán hợp đồng truyền hình Premier League cho giai đoạn 2007-2010, Sky TV và Setanta đã phải chi khoản tiền kỷ lục 1,7 tỷ bảng.

Torres và Aguero là hai trong rất nhiều ngôi sao sáng giá ở các giải đấu khác đến đầu quân cho Premier League.

Ngoài truyền hình, việc gắn tên giải với một nhà tài trợ cũng đem lại nguồn thu lớn. Năm 1993, hãng đồ uống Carling trả 12 triệu bảng trong bốn năm để đổi lấy việc Premier League được đổi tên thành FA Carling Premiership. Đến năm 1997, khi gia hạn hợp đồng thêm bốn năm, khoản tiền mà Carling trả tăng 300%. Từ năm 2001, hãng phát hành thẻ tín dụng Barclaycard trở thành nhà tài trợ mới gắn tên với Premier League khi bỏ ra 48 triệu bảng cho ba năm. Năm 2004, công ty mẹ của hãng thẻ này, tập đoàn tài chính tín dụng Barclays tiếp quản hợp đồng này và trả tới 65,8 triệu bảng cho ba năm tiếp theo.

Nguồn thu tăng là nền tảng thuận lợi để các CLB thành viên cạnh tranh sòng phẳng ở phạm vi toàn cầu trong việc trả lương và phí chuyển nhượng. Nhờ đó, Premier League dần trở thành cục nam châm thu hút những ngôi sao sáng giá nhất thế giới đến đầu quân, nâng cao chất lượng, uy tín cũng như danh tiếng của giải đấu. Năm 1992, khi mới ra đời, Premier League chỉ có 11 cầu thủ không mang quốc tịch Anh hoặc Ireland thi đấu, nhưng đến năm 2007, con số này tăng lên thành 250. Sự xuất hiện của những nhà cầm quân ngoại danh tiếng như Wenger, Ruud Gullit, Houllier, Rafa Benitez, Mourinho, Ancelotti… cũng đem lại những hiệu ứng tích cực về chuyên môn và làm đa dạng hóa phong cách bóng đá cho giải đấu.

Premier League thoạt đầu có 22 CLB, nhưng theo yêu cầu của FIFA về việc giảm số trận đấu ở các giải quốc nội để giảm tải cho cầu thủ và tạo điều kiện cho các giải đấu quốc tế, Premier League đã điều chỉnh số đội dự giải xuống còn 20 đội vào mùa giải 1994-1995, với việc 4 đội xuống hạng, trong khi chỉ có hai đội thăng hạng.

Độc lập về mặt quản lý, điều hành, tự chủ về tài chính, bộ máy tinh gọn, nguồn thu dồi dào và chất lượng tăng, Premier League nhanh chóng gặt hái thành công và trở thành hình mẫu đáng mơ ước cho mọi nền bóng đá khác. Trong 19 năm qua, các đại diện Premier League đã ba lần vô địch Champions League (MU vào các năm 1999, 2008), Liverpool (2005), trở thành một quyền lực ở sân chơi danh giá nhất thế giới cấp CLB này .

Theo Vnexpress