Làm rõ giảm 308 nghìn hécta đất trồng lúa nhằm mục đích gì?
Kinh tế - Ngày đăng : 07:16, 30/09/2011
Thừa ủy quyền của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển đã trình bày tờ trình về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia. Theo đó, tại một số địa phương tốc độ đất trồng lúa giảm tương đối nhanh như Hải Dương 1,4 nghìn hécta/năm; Vĩnh Phúc 1,2 nghìn hécta/năm; Hưng Yên 1 nghìn hécta/năm, TP Hồ Chí Minh 2,7 nghìn hécta/năm, Bình Dương 1,6 nghìn hécta/năm. Vẫn còn tình trạng một số địa phương chưa thực hiện đúng chủ trương sử dụng tiết kiệm đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa nước; sử dụng quy hoạch đất phi nông nghiệp trên đất nông nghiệp có năng suất cao, thậm chí trên đất chuyên trồng lúa nước, trong khi ở địa phương vẫn còn các loại đất khác. Bên cạnh đó, cơ cấu sử dụng đất trong đô thị chưa hợp lý, đất dành cho giao thông đô thị còn thiếu, tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa đến 13%, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh thấp dưới 1% và đất dành cho các công trình công cộng đặc biệt thiếu.
Theo quy hoạch sử dụng đất của Chính phủ, đến năm 2020, đất nông nghiệp là 26 triệu 732 nghìn hécta, tăng 506 hécta so với năm 2010. Trong đó, riêng đất trồng lúa được xác định là 3 triệu 812 nghìn hécta. Thống nhất cơ bản với tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế ngân sách cũng thẳng thắn chỉ rõ: Nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém, bức xúc chưa được đề cập như sử dụng đất sai mục đích, kém hiệu quả, những bất cập về thể chế, chính sách, phân cấp trong quản lý quy hoạch… Trong đó, đáng chú ý trong 10 năm qua, đã có 270 nghìn hécta đất lúa nước được chuyển cho các mục đích khác.
Tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu làm rõ nguyên nhân vì sao thời gian qua đã có rất nhiều đất trồng lúa bị lấy không đúng mục đích. Chủ tịch đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường giải thích rõ 308 nghìn hécta đất trồng lúa sẽ bị giảm theo lộ trình đến năm 2020 sẽ được sử dụng vào mục đích gì? Đồng thời nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ làm thế nào để kiên định giữ được 3,8 triệu hécta đất trồng lúa vào năm 2020 vì đây là việc làm rất khó khăn…
Tại phiên họp, các đại biểu tham dự đều nhận định, để giữ được hơn 3,8 triệu hécta đất dành cho trồng lúa đến năm 2020 là một mục tiêu khó thực hiện. Tuy nhiên, khó cũng phải kiên định giữ để bảo đảm an ninh lương thực. Hơn nữa, vì tỷ lệ dân số Việt Nam làm nông nghiệp còn lớn và nước ta là một trong năm nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu kiến nghị, thời gian qua nhiều địa phương đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa một cách tùy tiện. Dẫn ra ví dụ tại nhiều quốc gia trên thế giới, chế tài bảo vệ đất nông nghiệp được thực thi rất nghiêm, Phó Chủ tịch QH đề nghị các quy hoạch đất cần đặt trong tổng thể của cả nước, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận xét, Báo cáo của Chính phủ chưa rút ra được bài học sâu sắc sau 10 năm thực hiện quy hoạch của QH về đất, chưa đề cập tới trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm về quy hoạch đất...
Cùng ngày, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến vào báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề...