Sự hình thành vùng “đất nóng”
Hồ sơ - Ngày đăng : 07:05, 30/09/2011
Người dân Palestine luôn khao khát có được một Nhà nước thật sự. |
Sự kiện này đã gây chia rẽ tổ chức lớn nhất hành tinh giữa một bên đa số ủng hộ Nhà nước Palestine độc lập và bên kia đứng đầu là Mỹ dọa dùng quyền phủ quyết để bác bỏ nền độc lập này. Sự bất đồng về việc đưa ra quyết định thừa nhận nền độc lập của mảnh đất hơn 11 nghìn kilômét vuông (theo Nghị quyết 181 của LHQ năm 1947), với dân số khoảng 4 triệu người, khiến dư luận không khỏi muốn tìm hiểu căn nguyên của vấn đề.
3.500 năm trước Công nguyên (TrCN), Palestine là đất của người Canaen thuộc dòng Semite. Năm 2000 TrCN, người Hebreux, tổ tiên người Do Thái, đến khai phá vùng này; đến năm 1.200, người Philistines từ đảo Crete đến xâm chiếm và đổi tên thành Palestine. Sau Chiến tranh thế giới thứ I, Palestine được đặt dưới quyền ủy trị của Anh. Năm 1917, với Tuyên bố Balfour, Anh bắt đầu kế hoạch đưa người Do Thái về Palestine. Điều này đã đẩy vùng đất vào biến động và bạo lực khi người Arab phản đối người nhập cư Do Thái.
LHQ đã quyết định thành lập Ủy ban đặc biệt đề xuất chia vùng lãnh thổ này làm 2 nhà nước là Palestine và Do Thái, bất chấp đại diện Palestine, Ủy ban Cao cấp Arab đã bác bỏ đề xuất này. Theo kế hoạch, LHQ trao 56,47% lãnh thổ Palestine để thành lập Nhà nước Do Thái và 43,53% để thành lập Nhà nước Arab với một khu vực quốc tế bao quanh thành Jerusalem.
Trên cơ sở đó, ngày 15-5-1948, Nhà nước Israel tuyên bố thành lập. Tuy nhiên, một số nước Arab đã bác bỏ quyết định này và tuyên bố chiến tranh chống Israel. Qua 4 cuộc chiến tranh (1948-1949, 1956, 1967 và 1973), Israel chiếm đóng toàn bộ phần đất chia cho Nhà nước Palestine (theo NQ 181), Đông Jerusalem, Cao nguyên Golan của Syria, Nam Lebanon và bán đảo Sinai của Ai Cập (đã được Israel trao trả theo Hiệp định Camp David ký năm 1979).
Tháng 11-1967 và tháng 10-1973, Hội đồng Bảo an LHQ thông qua các Nghị quyết 242 và 338, yêu cầu Israel rút quân khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng, chấm dứt tình trạng chiến tranh ở Trung Đông, bảo đảm sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ của tất cả các quốc gia trong khu vực (hàm ý công nhận sự tồn tại của Israel), giải quyết vấn đề người tỵ nạn.
Tháng 5-1964, Hội đồng Dân tộc Palestine (PNC) lần thứ nhất họp ở Đông Jerusalem tuyên bố thành lập Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) do Al Fatah - tổ chức cách mạng đầu tiên của nhân dân Palestine được thành lập năm 1958 - làm nòng cốt. Từ đó, PLO trở thành đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Palestine. Năm 1975, tại khóa họp 30 của Đại hội đồng LHQ, PLO đã được mời tham gia LHQ với tư cách quan sát viên. Ngày 15-11-1988, Nhà nước Palestine tuyên bố thành lập nhưng chưa được LHQ công nhận. Năm 1994, trên cơ sở Hiệp định Oslo ký năm 1993 giữa PLO và Nhà nước Israel, chính quyền dân tộc Palestine được thành lập để điều hành một số khu vực thuộc Dải Gaza và khu Bờ Tây.