Gặt lúa chạy bão

Đời sống - Ngày đăng : 07:03, 30/09/2011

Các địa phương khẩn cấp ứng phó bão số 5 * Hoàn thành di dân tránh bão trước 9 giờ sáng nay

(HNM) - Chiều qua 29-9, do ảnh hưởng của "siêu bão" số 5 đang quần đảo ngoài biển Đông, trên các cánh đồng khu vực ngoại thành Hà Nội gió bắt đầu mạnh, mây vần vũ, mưa đã rơi. Dù vậy, hàng chục nghìn hécta lúa mùa chín vàng vẫn chưa được gặt, trong khi cơ quan khí tượng thủy văn dự báo Hà Nội và các tỉnh Bắc bộ sẽ có gió mạnh kèm mưa vừa đến mưa to.

Khẩn cấp đối phó với bão số 5


Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV trung ương Bùi Minh Tăng, khoảng từ 13 đến 16 giờ chiều nay (30-9), bão số 5 đổ bộ vào đất liền, vùng trọng tâm dự kiến từ Hải Phòng đến Nam Định. Mưa trong và sau bão kéo dài trong vòng 3 ngày với lượng mưa khoảng 100mm, nhiều nơi từ 300-400mm. Các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ và Trung du miền núi phía Bắc đang có hơn một triệu hécta lúa mùa chưa thu hoạch. Vì vậy, cần tập trung tiêu nước đệm, tránh gây ngập úng; điện lực ưu tiên cho các trạm bơm tiêu úng cứu lúa. Chỉ đạo các nhiệm vụ chống bão, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu di dân những vùng đông dân cư, dễ ngập úng, hoàn thành trước 9 giờ sáng nay. Phó Thủ tướng đã phân công 4 đoàn công tác đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định chỉ đạo phòng, chống bão lũ.

Hà Nội mới thu hoạch được 9% diện tích lúa mùa

Trên cánh đồng Chiếc, xã Hiền Giang (huyện Thường Tín) rực màu vàng lúa chín nhưng vẫn không nhiều người dân ra đồng gặt lúa.


Ảnh minh họa

Theo ông Lưu Văn Phúc, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín, hiện diện tích lúa đã thu hoạch của huyện khoảng 1.400ha/5.800ha, tập trung ở các xã Tô Hiệu, Thắng Lợi, Văn Phú… "Tuy nhiên, đây là những địa phương có truyền thống cấy sớm để làm vụ đông, còn lại khoảng 80% diện tích lúa mùa mới bắt đầu chín. Hơn nữa, người dân vẫn có tâm lý chờ lúa chín hẳn, gặt về sợ gặp mưa không phơi được sẽ ảnh hưởng đến chất lượng" - ông Phúc phân trần. Tại huyện Phú Xuyên, hầu hết diện tích lúa mùa đã chín nhưng đến thời điểm này mới thu hoạch khoảng 10% trên tổng diện tích 8.600ha. Phó phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Quang An cho biết, 33 HTX nông nghiệp trong toàn huyện đã đăng ký lịch thu hoạch lúa mùa, bắt đầu từ ngày 25-9 và kết thúc muộn nhất là ngày 5-10.

Tình hình ở các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì, Sóc Sơn và các quận Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên còn đáng ngại hơn khi người dân vẫn chưa thu hoạch lúa. Theo ông Đào Xuân Thường, Phó phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội), những địa phương này cấy muộn hơn, nếu mưa từ 100 đến 300mm thì năng suất chắc chắn giảm. Bên cạnh những địa phương có tâm lý chậm trễ, thì một số nơi chính quyền và người dân đang rất khẩn trương chạy đua với mưa bão để thu hoạch lúa mùa, như huyện Ba Vì đã thu hoạch được hơn một nửa trong diện tích 7.000ha; huyện Phúc Thọ đạt khoảng 30% trong tổng diện tích 4.200ha. Tuy nhiên, toàn thành phố đến thời điểm này mới gặt được khoảng 9% trong tổng diện tích hơn 100 nghìn hécta.

Chiều qua 29-9, theo Sở NN&PTNT, toàn bộ khu vực nội đồng, kênh mương trên địa bàn thành phố đã được các đơn vị thủy lợi và chính quyền địa phương chỉ đạo tiêu kiệt nước đệm; hơn 400 trạm bơm tiêu với khoảng 2.000 máy bơm các loại, tổng công suất 4 triệu mét khối/giờ đã sẵn sàng chống úng cho lúa mùa.

* Ngay trong ngày 29-9, các đơn vị chức năng của TP đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kịp thời ứng phó với cơn bão số 5 (bão NESAT). Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên - Cây xanh Hà Nội cho biết, bắt đầu từ 17h ngày 29-9, công ty đã huy động 100% CBCNV tham gia trực phòng, chống lụt, bão, mưa lớn theo địa bàn đã được phân công.

* Để phòng, chống úng ngập một cách hiệu quả, Công ty Thoát nước Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị bố trí 100% lực lượng công nhân ứng trực tại các vị trí theo phương án thoát nước. Khu vực hồ điều hòa Yên Sở được hạ mức nước để chuẩn bị trữ nước mưa, các kênh dẫn, kênh bao và các con sông cũng hạ đến mực nước quy định

* Sáng 29-9, VNPT các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đã triển khai các phương án bảo đảm thông tin, kiểm tra hoạt động các thiết bị thông tin vệ tinh Inmarsat; chuẩn bị nhiên liệu cho các trạm viễn thông, thu phát sóng (BTS) tại các khu vực trọng điểm... Các đơn vị cũng đã kiểm tra chất lượng các máy điện thoại của Ban Chỉ huy PCLB tại địa phương.

Tuấn Lương - Châu Anh

Chí Đạo