Căn cốt là chính sách tuyển dụng, đãi ngộ
Giáo dục - Ngày đăng : 06:50, 30/09/2011
Từ quan niệm chưa chuẩn…
Theo GS - TS Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, nếu xưa kia người ta quá đề cao vai trò của các cá nhân xuất sắc, quan niệm phổ biến "anh hùng tạo thời thế", coi thường vai trò quần chúng nhân dân thì ngày nay, vai trò của quần chúng nhân dân được đề cao hơn nhiều. Tuy thế, trong "bó đũa", vai trò to lớn của "cột cờ" - nhân tài đã nhạt hơn chăng. Mặt khác, chúng ta thường nói nhân tài phải là người vừa có trí tuệ vừa có đạo đức, nhưng đôi khi chúng ta quá coi trọng về đức mà ít nói về tài. Tâm lý "ngu dốt dễ bị coi khinh nhưng thông minh dễ bị hãm hại" khiến không ít người muốn được yên thân, sống theo kiểu "mũ ni che tai". Chính quan niệm và tâm lý ấy dẫn đến việc chúng ta không phát hiện và sử dụng người tài ở mức độ cần thiết và đầy đủ.
Thủ khoa của các trường đại học được tuyên dương hằng năm là một trong những nguồn để bồi dưỡng nhân tài. Ảnh: Viết Thành
Trên thực tế, từ những năm 1960 của thế kỷ trước, nước ta đã có hình thức phát hiện và tuyển chọn nhân tài thông qua việc tổ chức thi học sinh giỏi ở các nhà trường. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta chỉ có chủ trương chứ chưa có chính sách cụ thể ở mức cần thiết, do đó công tác phát hiện, trọng dụng nhân tài vẫn còn rời rạc, chưa đồng bộ, chủ yếu là mạnh địa phương nào thì địa phương đó làm. Chúng ta cũng chưa có phương pháp phát hiện, tuyển chọn và thu hút nhân tài cũng như thước đo đánh giá thống nhất về nhân tài. Việc đánh giá, sử dụng nhân tài, hay trí thức nói chung hiện có xu hướng nặng về lý lịch, bằng cấp, học vị hay cơ cấu, chưa quan tâm đến năng lực thực sự. Một yếu tố khác, dù đời sống của trí thức nói chung và của nhân tài nói riêng được nâng lên so với trước đây, kinh phí dành cho khoa học cũng được tăng lên dần dần, nhưng nhiều nhà khoa học còn gặp khó khăn về đời sống, điều kiện làm việc tối thiểu nên chưa toàn tâm, toàn ý dành tâm sức và thời gian nghiên cứu khoa học. Thực tế cho thấy không ít nhân tài bị gò bó trong hoàn cảnh hạn hẹp của sự mưu sinh, chế độ lương bổng thấp nên phải làm thêm công việc khác để lo cho gia đình và bản thân. Bên cạnh đó, nhiều người học xong ở nước ngoài đã không muốn trở về nước làm việc và cống hiến. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này nhưng có lẽ, nguyên nhân quan trọng vẫn là chính sách "chiêu hiền, đãi sĩ" như hiện nay là chưa thỏa đáng.
Đến trọng dụng người tài
Nhân tài ở nước ta không phải ai cũng có được môi trường thuận lợi để phát huy cao độ tài năng. Có hai lý do đáng chú ý. Một, cách đào tạo nhân tài còn nghiêng nhiều về lý thuyết, ít có điều kiện thực hành. Hai là, người được đào tạo quá quan tâm đến mục tiêu bằng cấp, ít chú ý đến ứng dụng kiến thức vào thực hành để làm ra các sản phẩm có chất lượng cao, hoặc vận dụng lý thuyết để giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống. Không ít học sinh giỏi trong các cuộc thi quốc tế nhưng về sau phải chấp nhận làm một nghề không đúng với sở trường của mình. Hiện tượng "chảy máu chất xám" đã và đang xảy ra ở không ít nơi. Cụ thể, từ tháng 3 năm 2003 đến cuối năm 2007 có 6.422 cán bộ, công chức xin thôi việc. Đây là tiếng chuông báo động đối với việc sử dụng cán bộ nói chung và nhân tài nói riêng. Một con số khác cũng đáng chú ý, là có tới 80% thủ khoa tốt nghiệp đại học phải tự đi kiếm việc làm sau khi được tuyên dương thành tích học tập. Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức xã hội có đủ người tài rồi chăng?
Những năm gần đây, quan điểm tìm kiếm hiền tài rõ hơn. Nhiều nơi trải thảm đỏ thu hút nhân tài, song không phải thảm đỏ nào cũng giữ được nhân tài, chủ yếu là do chính sách đãi ngộ không phù hợp - do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Và khi nhân tài nhận thấy mình chưa được đãi ngộ, tôn vinh xứng đáng với đóng góp của mình thì họ có quyền đến nơi phù hợp hơn.
Tại cuộc hội thảo "Nhân tài với thịnh suy đất nước" lần thứ nhất do Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam tổ chức trong tuần này, GS Dương Phú Hiệp đã cảnh báo, nếu việc trả lương còn mang tính bình quân chủ nghĩa thì nhân tài dù có "trăm hoa đua nở" cũng không được lâu bền. Theo PGS-TS Trần Quang Nhiếp, nguyên Phó TBT Tạp chí Cộng sản, để khắc phục tình trạng "chảy máu chất xám" đang diễn ra hiện nay, đồng thời thu hút và sử dụng được người tài, trước hết Đảng và Nhà nước cần sớm xây dựng chiến lược nhân tài quốc gia tới năm 2020. Chiến lược không chỉ bày tỏ quan điểm mà còn xác định cụ thể về mục tiêu, hình thức, chính sách trọng dụng nhân tài trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó, cần đổi mới toàn diện ngành giáo dục - đào tạo, đặc biệt là đổi mới đào tạo nhân tài gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích người tài tu dưỡng đạo đức, bồi dưỡng chuyên môn, năng lực để có thể cống hiến trọn vẹn tài năng và trí tuệ cho đất nước.