Bài 14: Trở về đời thường

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:28, 30/09/2011

(HNM) - "Chiến tranh là một thử thách!". Nói thế không sai nhưng có lẽ là sáo rỗng với người trong cuộc. Có nhiều biến cố không tránh được. Cuộc xâm lược, chia cắt đòi hỏi sự hy sinh, lòng quả cảm. Khi trở về thì tuổi thanh xuân - cái tuổi đẹp đẽ nhất đã đi qua.

Rất nhiều thứ phải làm lại từ đầu, mà có thứ không "làm lại" được. Cuộc sống thời bình, cũng là một "thử thách", dù ít hào hùng hơn nhưng không kém nghiệt ngã. Ai đó nói trong chiến tranh kẻ thù nhìn rất rõ, nhưng đời thường thì không phải vậy, một lý lẽ đơn giản nhưng chả dễ làm quen. Đời thường mà còn có "kẻ thù" ư? "Tiêu cực" đến mức nào mới đáng gọi là "kẻ thù", và nó đòi ta phải "hy sinh" đến đâu?

Tôi vẫn mang ý nghĩ ấy khi tới Vũng Rô - Phú Yên, nơi tàu 141 của Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh lập kỳ tích vô ba chuyến thành công trong hơn 60 ngày, sau đó xảy ra vụ lộ tàu 143 làm vỡ tuyến, phải chuyển hướng khác. Bia kỷ niệm ở đây mới lập, cùng những tượng đài tại Lộc An - Vũng Tàu, Thạnh Phong - Bến Tre, Vàm Lũng - Cà Mau, Đồ Sơn - Hải Phòng, là những kiến trúc lớn nhất về tàu không số. Khí hậu mát mẻ, vịnh trong và lặng, phấp phới dãy cờ trên bè cá lồng. Những con tắc kè xanh biếc phóng lưỡi dưới dây muống biển. Nơi tàu 143 nằm lại là tấm phao neo có tấm biển ghi "Di tích tàu không số. Cấm vi phạm". Ghi thế vì có lúc người ta lặn mò xác tàu bán sắt vụn. Vịnh bắt đầu bẩn vì chất thải, váng dầu. Ngoài cảng, tàu vô dỡ xi măng, xuống dầu, tàu ra chở sắn tới nhà máy bột ngọt. Tỉnh Phú Yên vừa làm xong đường ven biển nối đây với thành phố Tuy Hòa, qua sân bay, các khu kinh tế. Quá khứ với hiện tại có sự liên hệ thế nào đó, rất cụ thể mà cũng rất mơ hồ.

Ông Hồ Đắc Thạnh (ngoài cùng, bên phải) cùng đồng đội tại Bến K15 Đồ Sơn, Hải Phòng.

Lính tàu không số, do đặc thù "nghề nghiệp", rất gắn bó với nhau. Trên bờ vẫn là làm "nhiệm vụ đặc biệt", có khi sống vài năm gần nhà vợ con không biết. Xuống tàu bấy nhiêu anh bấy nhiêu nết ăn ở, hoàn cảnh, nhưng số phận buộc chặt vào nhau rồi, cùng sống cùng chết chả chạy đi đâu như anh bộ binh được. Nên họ gắn bó lắm. Sau bốn năm mươi năm gặp lại, người trẻ nhất cũng ngót nghét bảy chục, mà ai cũng hồ hởi kỷ niệm. Chuyện xưa đang ào ào bỗng ngưng, tưởng nhớ đến những sự, những thân phận.

Sức khỏe của họ có những đặc điểm riêng. Bệnh đường tiêu hóa phổ biến vì say sóng, ói mửa, dạ dày nhồi bóp liên tục. Ai đó bảo thủy thủ không biết say sóng không hẳn đúng. Ăn uống thiếu vitamin, do chưa được chăm sóc có khoa học như ngày nay, lại chả "buồn" đánh răng, nên "hàng tiền đạo" "chín sáu ba không", "một lệch một xô" là thường. Trong "tứ khoái" của đời người, "ăn" xếp lên đầu; nên bộ nhai mà kém, xuống sức mau lắm. Mùa vận tải cứ nhè gió Đông Bắc, sóng dựng mà đi, do ít tàu địch theo, những chiếc cả trăm tấn cũng như lá tre thôi. Thủy thủ đi lại chuệnh choạng đĩa đệm xô lệch ầm ầm. Nhiều "cụ lính" nghĩ tới tàu hải quân giờ to đè được sóng, có hầm lạnh giữ rau thịt cả tháng thấy thèm.

Còn về "sự đánh giá", tuy vô hình mà lại ngổn ngang nhất. Ngày đó giữ kín nhiệm vụ, hồ sơ đâu có ghi "đi bê", nên đâu như (?) cả nghìn người, ngoài lương chính, chưa được hưởng chế độ 10 đồng mỗi tháng để lại. Cha già mẹ héo, con học kém, vợ nheo nhóc là thường quá. Đến bậc "công thần" Hồ Đắc Thạnh, ngôi biệt thự to đùng ở Tuy Hòa có "cũng là do con bán mì tôm bột ngọt". Đến lúc bình công thật tội. Người được danh hiệu có chế độ, báo chí thăm hỏi ầm ầm, con cái được giảm học phí, người chỉ kém chút chút không được thì tiếng hay miếng đều hẻo so với những gì đã cống hiến. Nhưng hy sinh quen rồi, không kêu làm gì. "Xanh cỏ đỏ ngực", chiến tranh là vậy, không nằm dưới biển là may rồi...

Nghĩ thế nào, xác định thế nào thì "tâm trạng" vẫn còn đó. "Tàu mắc cạn bữa đó nào ai muốn". "Bị lộ là vì lệnh gấp quá với tại thế này thế nọ, đâu do mình cả"… Đấy là những điều còn ám ảnh rất lâu. So sánh là không tránh khỏi, "miếng giữa làng" kia mà, dù đều thương quý nhau, nhìn nhau còn thở là mừng. Bởi vậy, trong dịp kỷ niệm 50 năm lực lượng, Ban Liên lạc cựu chiến binh tàu không số quyết tâm làm rốt ráo những chế độ chưa được tính, những công trạng chưa được khen thưởng. Đó là một cố gắng rất lớn. 50 năm rồi còn gì!

Chúng tôi đi Hải Phòng, gặp những cựu chiến binh người Bắc, về đời thường, họ mang theo phẩm chất hy sinh, "kêu ca" rất ít, mà nói nhiều về những gì đáng tự hào. Ông Trần Văn Lịch, sinh năm 1942, nhà quận Lê Chân, kể lúc xuống tàu bỡ ngỡ được thủy thủ người Nam giúp dập đỡ lắm. Ông Trần Kim Chung, sinh năm 1941, thành viên tàu 143 bất hạnh còn buồn cười "mình ngu ngơ quá, nó thả bom cứ ngây ra xem". Ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch Ban Liên lạc toàn quốc, luôn tất bật với kỳ kỷ niệm 50 năm lực lượng. Liên lạc với đồng đội, chạy đến các cửa "đấu" chế độ cho anh em, tiếp báo chí… Vợ ốm ngồi xe lăn, con trai đóng ngoài Trường Sa Đông để vợ con lại, ông cũng gặp khó. "Cái chức này là anh em muốn mình làm".

Cũng có những người yên tâm làm ăn. Ra khỏi chiến tranh, dùng nghề cũ, hoặc học thêm nghề mới kiếm sống được là ổn quá. "Làm lớn" nhất hẳn phải là Đào Hồng Tuyển, ông "chúa đảo" Tuần Châu ngoài Quảng Ninh, nhưng chắc gì đêm đã yên giấc bằng người về làng chài chiều xuống nhâm nhi chén rượu với củ lạc.

*

Cuộc sống "Ba linh thôn" của Thiếu úy Phan Nhạn (quân hàm lúc chuyển ngành năm 1968) có lẽ là trường hợp không nhiều người có. Ông sinh năm 1933, xuất phát từ "thế hệ tàu gỗ", đi cả thẩy 15 chuyến, trong đó có 3 chuyến nổi tiếng vào Vũng Rô trót lọt của tàu 141. Sau năm 1975, ông vào Nam ở, chuyển nhà nhiều lần. Chỗ đang ở là ngôi cấp bốn xập xệ mất hút trong rừng nhà cao tầng ở phường Phước Long, Nha Trang. Bên bàn thờ vợ, ông ra vào chăm cháu dại khá vất, vì con đang gặp khó.

"Chạy điện" là "chiến công" đầu tiên của người cán bộ khu phố này. Tiếng là thành phố nhưng năm 1990 đây còn thua nông thôn, đêm tối thui. Phan Nhạn đem giấy phường lên sở Điện. Nể ông, họ đồng ý ngay "cái hạ thế". Rồi về họp bà con mỗi nhà góp 500 đồng mua dây dựng cột, chừng một tháng thì nhà ai nấy sáng trưng. Ai mừng chứ Phan Nhạn mệt quá: bên điện "bắt" ông quản lý. Được 6 tháng đi bắt thằng "câu" trộm đứa đấu tắt công tơ, thì đem trả. Sở Điện mua lại đường dây, cột bằng 1/3 giá đóng góp, ông trả mỗi hộ 130 đồng, được tiếng "từ hồi giải phóng chỉ có chú bù lại những phần dân đã đóng góp".

Những năm 1994 - 1995, mấy khóm Phước An, Phước Bình, Phước Thịnh gần sân bay ngập liên miên. Vùng trũng, mưa to là thành đầm nước lớn, chỗ sâu tới mét rưỡi. Chả tiêu đi đâu được, đâm giếng lớn giếng nhỏ xếp đồng hạng với chuồng phân ráo. Kỳ lâu nhất ngập 3 ngày liền. Nguy cơ bệnh rõ quá. Gần đó có con mương thông ra biển, Phan Nhạn đề ra một biện pháp rất "lính tráng": huy động dân 10 tổ ra đào đường Dã Tượng, đào ban ngày, đêm ông ra trông kẻo có người sa xuống. Vi phạm rõ quá. Giao thông, công an xuống lập biên bản. Người khác chạy cả. Ông đứng ra: "Tôi biết sai rồi, nhưng phải cứu dân chứ".

Nhưng bệnh tật lại đổ ra sau những ngày phân rác lềnh bềnh. Phan Nhạn tới xí nghiệp cấp thoát nước. Cái may của ông là cái may của cả khóm: tại đây có mấy người Hải Phòng, quen từ hồi ông mới làm rể đất Cảng. Giấy phép khảo sát, đặt đường nước ký ngay, 2 tháng thi công xong chả phải "bôi trơn" với "lót tay" tẹo nào (tất nhiên ai "bồi dưỡng" thợ thì mặc sức). Đóng góp chính thức, hộ nào hơn 300.000 đồng đã là cao.

Tôi đi bộ cùng Phan Nhạn trong khu phố mới, nhà cao cửa rộng cạnh túp lúp xúp. Chào ông rất nhiều, anh xe ôm, chị mì Quảng, xem chừng không mấy người biết đến quá khứ tàu không số oai hùng.

- Họ quý mình thì phấn khởi đấy, nhưng cứ gánh thế này thì mệt quá. Tôi xin nghỉ mãi, đỡ khoản khóm rồi, giờ chỉ tổ trưởng thôi.

Phan Nhạn nói, trong khi tôi nghĩ đến những gì ông đã trải qua: phá tàu bị sức ép, dồn cột sống, đi bộ gần nửa năm ra Bắc, ngày giở giời chả dễ chịu gì. Giữa hùng binh trận mạc với rì rầm đời thường, chả biết phần đời nào dễ vượt hơn…

Hoàng Định