Nỗ lực đưa Tây Bắc phát triển bền vững
Chính trị - Ngày đăng : 16:00, 29/09/2011
Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì buổi làm việc.
Các đồng chí: Lê Hồng Anh, Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Ngày 1/7/2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37/NQ-TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng trung du và miền núi phía Bắc”. Theo đánh giá chung, sau 6 năm thực hiện, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới của vùng. Trong 6 năm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng bình quân 11,5/năm, trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 15,3%/năm, dịch vụ tăng 12,09%/năm… Quy mô tổng sản phẩm của vùng năm 2010 gấp 1,9 lần so với năm 2004, GDP bình quân đạt 12,2 triệu đồng/người/năm.
Cơ cấu ngành kinh tế của vùng đã từng bước chuyển dịch theo hướng CNH-HĐH, phát huy được lợi thế so sánh, năm 2010 cho thấy, nông - lâm nghiệp đạt tỷ lệ 28,7% (giảm 15,2% so với năm 2004); công nghiệp - xây dựng 34% (tăng 6,1% so với năm 2004); dịch vụ là 37,2% (tăng 1,1% so với năm 2004)...
Bên cạnh đó, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm tỷ lệ lao động thuần nông, tăng lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ. Cơ cấu các thành phần kinh tế đã có chuyển dịch theo hướng sắp xếp lại và đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước, phát huy tiềm năng của khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Một trong những thành tựu nổi bật của vùng Tây Bắc thời gian qua là kết cấu hạ tầng KT-XH toàn vùng được tăng cường. Tổng vốn đầu tư phát triển trong vùng tăng nhanh, cải thiện một bước kết cấu hạ tầng về giao thông, điện, viễn thông, thủy lợi, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống dân cư. Giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ phát triển khá với việc đã hoàn thiện phổ cập giáo dục tiểu học.
Các thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN từng bước được hình thành. Đời sống của nhân dân trong vùng được cải thiện, hộ nghèo giảm nhanh. Kinh tế đối ngoại phát triển khá, tăng khả năng hội nhập kinh tế vùng. Hệ thống chính trị được giữ vững, quốc phòng an ninh được củng cố…
Những kết quả đạt được khẳng định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH, an ninh - quốc phòng vùng Tây Bắc của Bộ Chính trị đề ra trong giai đoạn vừa qua là hoàn toàn phù hợp, kịp thời và đúng đắn.
Đi sâu phân tích một số tồn tại, các đại biểu cho rằng, để vùng Tây Bắc phát triển nhanh và bền vững cần tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành tập trung nguồn lực, cơ chế đặc thù để phát triển vùng Tây Bắc.
Đặc biệt, cần sớm có quy hoạch tổng thể cho toàn vùng nhằm phát huy nguồn lực, lợi thế cho toàn vùng, làm cơ sở cho việc quy hoạch phát triển từng ngành như đất rừng, tài nguyên khoáng sản, thủy sản... để Tây Bắc phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc phân bổ nguồn lực của Trung ương cho vùng Tây Bắc cũng tránh dàn trải.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các bộ ngành đã nhận thức khá đầy đủ về Nghị quyết 37 trong việc tập huấn cho cán bộ, ban hành kế hoạch hành động để triển khai về cơ sở.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, báo cáo của các bộ ngành cần đưa ra được phương hướng công tác cụ thể với vùng Tây Bắc như tập trung chỉ đạo ngành trong phát triển toàn vùng đi liền với tạo nguồn lực cho phát triển Tây Bắc với cơ chế đầu tư cụ thể để cho người dân như chính sách phát triển rừng và nghề rừng, sớm quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch ngành để phân công đầu tư và chú ý tính liên vùng trong định hướng phát triển Tây Bắc.
Phát biểu tại hội nghị đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh, phát huy những thành quả đạt được sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 37, các bộ, ngành, địa phương cần nằm chắc tình hình, bám sát định hướng để tập trung tháo gỡ khó khăn nảy sinh, tiếp tục đưa vùng Tây Bắc từng bước phát triển bền vững.