Dịch vụ điện thoại cố định: Chưa đến lúc “giải cứu”
Xe++ - Ngày đăng : 06:50, 29/09/2011
Trong khoảng 3 năm gần đây (2008, 2009, 2010), thuê bao của dịch vụ điện thoại cố định đã giảm khá nhanh. Số liệu của Tập đoàn Bưu chính -Viễn thông (VNPT) - doanh nghiệp chiếm 78,6% thị phần cho thấy, nếu như năm 2005 được coi là thời kỳ đỉnh cao khi VNPT có tới 20 triệu thuê bao, thì đến nay VNPT chỉ còn 12,5 triệu thuê bao, bình quân mỗi năm tập đoàn này giảm 1 triệu thuê bao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố hằng tháng cũng cho thấy, tháng 3-2011, cả nước có 16,5 triệu thuê bao cố định, nhưng đến hết tháng 8, lượng thuê bao này chỉ còn 15,5 triệu. Đáng lưu ý, các nhà cung cấp VNPT, EVN Telecom, Viettel trong mấy năm qua cũng đầu tư phát triển điện thoại cố định không dây (sử dụng công nghệ vô tuyến) và dành nhiều ưu đãi cho khách hàng vùng nông thôn, vùng công ích, nhưng người dân ở khu vực này lại rời bỏ mạng nhiều nhất. Bên cạnh đó, doanh thu từ dịch vụ cố định không chỉ ngày càng giảm do lượng thuê bao mất đi, còn vì khách hàng ít sử dụng cố định để liên lạc hơn, dù vẫn duy trì thuê bao.
Nguyên nhân khiến thuê bao cố định rời bỏ mạng là vì sự phát triển mạnh của các dịch vụ viễn thông khác như dùng di động không chỉ tiện lợi mà giá cước ngày càng bình dân, lại có nhiều tiện ích đi kèm; giá cước internet băng rộng ADSL không chỉ ngày càng rẻ mà tốc độ lại tăng lên… Theo các chuyên gia, một yếu tố khác được nhắc tới đó là, điện thoại cố định gặp khó khăn do sự cạnh tranh mạnh từ các dịch vụ khác diễn ra không chỉ ở nước ta mà cả ở nhiều nước phát triển trên thế giới. Nhưng, vấn đề ở chỗ, người dân thành thị, dù chuyển sang dùng di động vẫn duy trì điện thoại cố định, còn người dân khu vực nông thôn, vùng công ích do mức sống chưa cao cộng với tâm lý tiết kiệm nên chuyển sang dùng di động là bỏ dùng cố định.
Nguyên nhân khiến dịch vụ điện thoại cố định gặp khó đã rõ. Song, cũng từ vấn đề này, đặt cho chúng ta câu hỏi, vậy câu chuyện khách hàng rời bỏ mạng cố định có thực sự gây thiệt hại cho doanh nghiệp? Có cần phải "cứu" dịch vụ này? Tại buổi giao lưu trực tuyến "Nhân vật, sự kiện" với chủ đề "Mạng điện thoại cố định có cần giải cứu" tại Đài Truyền hình kỹ thuật số (VTC) cuối tuần qua, các chuyên gia, nhà quản lý trong ngành cho rằng, chưa cần phải cứu điện thoại cố định. Lãnh đạo Tập đoàn VNPT cho biết, với sự phát triển của công nghệ và để khai thác hiệu quả mạng lưới hạ tầng, những năm qua, VNPT đã đưa ra nhiều dịch vụ thay thế, đáng chú ý trên cùng đường dây cố định, doanh nghiệp có thể lắp đặt cả cố định, ADSL và MyTV… Từ đó cho thấy, tuy nói các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông bị mất tới 1 triệu thuê bao cố định (trong đó chủ yếu là các thuê bao không dây phải đầu tư ít hơn), nhưng khách hàng lại chuyển sang dùng di động, hoặc ADSL và cả dịch vụ truyền hình theo yêu cầu (MyTV)… Điều đó có nghĩa là, lượng thuê bao cố định tuy có giảm, nhưng bù lại, lĩnh vực dịch vụ khác lại có thêm khách hàng. Trong đó, một số dịch vụ còn đem lại doanh thu cao hơn so với điện thoại cố định như MyTV chẳng hạn. Như vậy, có thể thấy, dịch vụ điện thoại cố định không mất đi, mà nó được chuyển hóa và sự chuyển hóa này vẫn đem lại lợi ích cho doanh nghiệp.