Việt Nam và Nga lần đầu tiên thiết lập cầu truyền hình trực tiếp

Đối ngoại - Ngày đăng : 20:56, 28/09/2011

Từ ngày 25/9 đến 2/10, ông Trần Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam đã có chuyến công tác tại Liên bang Nga và một số nước châu Âu, trong đó có việc trao đổi Đài truyền hình quốc gia Nga triển khai Chương trình cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm khởi đầu cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, trong đó có các chiến sĩ Việt Nam tham gia góp phần bảo vệ hòa bình trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói nước Nga - Ảnh Chinhphu.vn

Từ ngày 25/9 đến 2/10, ông Trần Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam đã có chuyến công tác tại Liên bang Nga và một số nước châu Âu, trong đó có việc trao đổi Đài truyền hình quốc gia Nga triển khai Chương trình cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm khởi đầu cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, trong đó có các chiến sĩ Việt Nam tham gia góp phần bảo vệ hòa bình trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Nhà hát Kosmos ở Thủ đô Mát-xcơ-va (Nga) và Cung Hữu nghị Việt - Xô Thủ đô Hà Nội (Việt Nam) sẽ là 2 điểm cầu truyền hình trực tiếp của Chương trình này, diễn ra vào 31/10 tới.

Theo ông Trần Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, “đây là một chương trình hồi tưởng lại những gì mà người dân Nga, người dân Liên Xô đã đóng góp cho nhân loại để bảo vệ hòa bình trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Đó là hình ảnh vào năm 1941, khi quân Đức phát xít tiến rất gần đến Mát-xcơ-va và đã có một cuộc duyệt binh lịch sử của Hồng quân Liên Xô, sau đó tất cả tiến ra trận”.

Cũng theo ông Trần Bình Minh, “trong sự kiện lịch sử này, mọi người đều rất ghi nhớ hình ảnh có cả những chiến sỹ Việt Nam quê ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã cùng với quân đội và nhân dân Liên Xô thời đó tham gia cuộc chiến tranh yêu nước”.

Chương trình có sự tham gia của Hội hữu nghị Nga – Việt, Sứ quán Việt Nam tại Nga, của các nhân sỹ, nghệ sỹ Việt Nam và rất nhiều các thế hệ người Việt Nam đã từng học tập, gắn bó với văn học, gắn bó với âm nhạc và với nhân dân Liên Xô.

Những cựu chiến binh, những người yêu thích bài hát Nga ở cả Việt Nam và cả người dân Liên Xô cũng sẽ tham gia Chương trình.

Cùng tham gia Chương trình này, Ban Việt ngữ của Đài tiếng nói nước Nga sẽ chia sẻ những tư liệu quý giá trong suốt 30 năm qua, Đài thu thập thông tin về những chiến sỹ Hồng quân người Việt tham gia bảo vệ Thủ đô Xô Viết.

Trận chiến đấu bảo vệ Mát-xcơ-va khỏi phát-xít Đức kéo dài từ tháng 10/1941 đến tháng 4/1942. Đây là một trong những trận chiến đấu quy mô lớn nhất trong lịch sử cuộc Thế chiến II (1939-1945).

Trong thời gian 2 năm chiến tranh, trước khi tấn công Mát-xcơ-va, quân Đức phát-xít đã chiếm được hầu như toàn bộ lãnh thổ châu Âu và đã tung vào Thủ đô của Liên Xô đội quân gồm 2 triệu binh lính, 14.000 pháo và súng cối, gần 2.000 xe tăng,1.500 máy bay.

Tháng 10/1941, quân đội phát xít chỉ còn cách Thủ đô Xô Viết 20 km. Hít-le đã tuyên bố rằng ngày 7/11 sẽ chỉ huy cuộc duyệt binh của quân phát xít trên Quảng trường Đỏ và sau đó sẽ làm chìm ngập Mát-xcơ-va biến thành phố này là một cái hồ lớn. Nhưng kế hoạch đó của Hít-le đã không thực hiện được.

Ngày 7/11 trên Hồng trường đã tiến hành cuộc duyệt binh của Hồng quân Liên Xô chứ không phải của quân Đức phát- xít.

Tham gia các trận đánh bảo vệ Thủ đô Xô Viết đã có các đơn vị quân đội và nhiều người dân Mát-xcơ-va. Đã có hàng trăm chiến sĩ tình nguyện, trong đó có nhóm người lính Việt Nam khi đó đã làm việc ở Mát-xcơ-va. Các chiến sĩ tình nguyện người Việt đã tham gia cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ.

Theo VGP News