Đến năm 2015, Hà Nội phấn đấu không thiếu trường, thiếu lớp

Giáo dục - Ngày đăng : 18:32, 28/09/2011

(HNMO) – Đó là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, trong Hội nghị giao ban quý III/2011 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về tình hình đầu tư xây dựng các trường mầm non và trường phổ thông các cấp trên địa bàn Thành phố, diễn ra trong ngày 28/9.

Hội nghị nhằm đánh giá lại tình hình thiếu trường, thiếu lớp hiện nay (nhất là với cấp mầm non trên địa bàn các quận, huyện nội thành cũ), nên cứ mỗi khi đến năm học mới, vấn đề lại trở nên cấp bách, bức xúc đối với nhân dân và chính quyền Thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Thành ủy, HĐND Thành phố về đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, trong giai đoạn 2005-2011 ngân sách Thành phố tập trung đảm bảo cân đối và đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo từ 20-24% tổng chi ngân sách đầu tư XDCB của Thành phố. Đặc biệt, trong hai năm từ 2009 cho đến hết năm 2010, Thành phố đã xây dựng và triển khai cơ bản xóa xong 5.523 phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp và xây mới thêm được 1.009 phòng học, với tổng kinh phí 2.448,845 tỷ đồng.

Tính đến nay, toàn Thành phố có 2.311 trường học các cấp (hầu hết đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 trường công lập mầm non, tiểu học, THCS và 5 vạn dân có 1 trường THPT). Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trong những năm qua đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục dạy và học; hiện tại toàn Thành phố đã có 604 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 26,25 tổng số trường.


Theo đó, khối mầm non có 839 trường, trong đó có 667 trường công lập, 107 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 12,6% tổng số trường. Các trường mầm non (công lập và ngoài công lập) của Thành phố đã đáp ứng được 100% số trẻ 5 tuổi ra lớp, 86% số trẻ độ tuổi mẫu giáo (từ 3 cho đến 5 tuổi) và 29,1% số trẻ thuộc nhóm nhà trẻ (dưới 3 tuổi). Khối tiểu học có 684 trường, trong đó có 656 trường công lập, 303 trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 44,2% tổng số trường. Đối với khối tiểu học, Thành phố cũng đã đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn, tính đến nay, bình quân toàn Thành phố đạt 34,3 học sinh/lớp. Khối THCS có 594 trường, trong đó có 583 trường công lập, 174 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 29,3% tổng số trường. Khối THPT có 194 trường, trong đó có 106 trường công lập, 22 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 11,3% tổng số trường.

Còn đối với hệ thống trường, lớp học tại các khu đô thị: Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố có 152 khu đô thị mới (có quy mô trên 20ha) với diện tích 44.406ha, với quy mô dân số theo quy hoạch khoảng 2 triệu người. Qua bước đầu triển khai rà soát tại 10 khu đô thị mới cơ bản đã triển khai theo quy hoạch, xây dựng và đưa vào sử dụng 27 trường/38 trường theo quy hoạch.

Như vậy, có thể thấy, trong những năm qua, Thành phố và các quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành đã quan tâm và tập trung đầu tư mọi mặt để phát triển giáo dục, xây dựng hệ thống trường mầm non và phổ thông các cấp, đã đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, đảm bảo đủ chỗ học cho 100% học sinh trong độ tuổi có nhu cầu đi học.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nhìn nhận trong những năm qua, việc đầu tư xây dựng trường học trên địa bàn Thành phố còn có một số hạn chế như: nếu tính theo tiêu chí mỗi xã, phường, thị trấn ít nhất phải có 1 trường công lập, hiện tại 6 phường chưa có trường mầm non công lập nằm trên các quận: Đống Đa, Hai Bà Trưng. Còn đối với khối tiểu học hiện có 12 phường chưa có trường tiểu học công lập, tập trung tại các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân. Bên cạnh đó, đối với một số quận, huyện lại có một số trường có tỷ lệ số lớp/trường và số học sinh/lớp cao hơn so với quy định, như tại các quận nội thành Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy vẫn còn trường hợp có số cháu trên 40 cháu/nhóm lớp (theo quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo, trường mầm non đạt chuẩn quốc gia có không quá 20 nhóm lớp/trường và bình quân nhà trẻ có 15-25 cháu/nhóm lớp, mẫu giáo có 25-35 cháu/nhóm lớp)... Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội nói chung, trường học nói riêng trong các khu đô thị mới chưa được chủ đầu tư quan tâm đúng mức.

Mặt dù, Thành phố đã chỉ đạo kịp thời quyết liệt, nhưng việc đầu tư các trường công lập còn thiếu tại các phường tại các quận nội thành triển khai chậm, chưa có kết quả. Tồn tại này có nguyên nhân khách quan do hạn chế không có quỹ đất trống để xây dựng trường, nhưng nguyên nhân chủ quan có tính quyết định đó là các quận (đã được phân cấp toàn diện) chưa chủ động, tập trung chỉ đạo quyết liệt trong giải quyết để việc rà soát quỹ đất, đề xuất cơ chế, giải pháp cụ thể đối với từng trường hợp để đầu tư xây dựng; bên cạnh đó, sự phối hợp, kiểm tra, đôn đốc triển khai của các sở, ngành liên quan chưa quyết liệt...

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng kiến nghị TP chỉ đạo việc sớm di dời, một số nhà máy, xí nghiệp ra khỏi địa bàn (ví như Nhà máy máy rượu) để xây dựng các trường học được đúng tiến độ.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm lại kiến nghị, việc thực hiện tiêu chí mỗi xã, phường, thị trấn ít nhất phải có 1 trường mầm non, trung học cơ sở công lập; nhưng với quận Hoàn Kiếm là không cần thiết vì quận có diện tích nhỏ, các trường hiện tại đã đáp ứng đủ. Tuy vậy, các trường ở quận Hoàn Kiếm, quy mô còn nhỏ, thiếu trường đạt chuẩn quốc gia, vẫn còn tình trạng “nhà dân ở trong trường, trường ở lẫn với dân”.

Chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo đề nghị tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã cần tập trung nguồn lực, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường, lớp; tiếp tục kiên cố hóa và đầu tư xây dựng mới đồng bộ. Do đó, để đẩy mạnh đầu tư xây dựng phấn đấu 100% các quận, huyện không thiếu trường, lớp; Chủ tịch thống nhất tại hội nghị với 6 giải pháp như: Khẩn trương triển khai và rà soát lại tại các quận, huyện nội thành; Bằng mọi giải pháp tạo quỹ đất đầu tư xây dựng các trường thiếu; Xem xét lại địa chỉ một số quỹ đất và quy hoạch công viên, cây xanh; Xem xét và rà soát lại quỹ đất nhà của Thành phố; Cân đối lại vốn, tập trung những nơi còn thiếu; Tổ chức thực hiện cần phải quyết liệt hơn...

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, để khắc phục triệt để tình trạng thiếu trường, thiếu lớp trên, và phấn đấu mục tiêu đến năm 2015 Hà Nội có đầy đủ các trường học cho con em Thủ đô; các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành Thành phố phải nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo tại hội nghị và ý kiến điều hành của Chủ tịch UBND Thành phố.

L.H