Nghệ sỹ chèo Hồng Nam với "Đường trường luyện năm cung"

Văn hóa - Ngày đăng : 14:16, 28/09/2011

(HNMCT) - Trong tận sâu thẳm, nghệ sĩ hát chèo nào cũng vững một niềm tin rằng chèo với mình là duyên, là nghiệp. Chọn cho mình con đường nghệ thuật từ khi tóc còn để chỏm và đến với chèo một cách bài bản, nghệ sĩ chèo Hồng Nam cũng trọn vẹn một niềm tin như thế.

Trong cuộc đời mỗi con người, có lúc ngoảnh lại, thấy những cơ hội, những ngã rẽ của mình chỉ có thể lý giải bằng chữ “duyên”. Với nghệ sỹ chèo Hồng Nam (diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội) là vậy!


Sinh ra ở vùng quê nghèo của tỉnh Hải Dương, cha là bộ đội, mẹ là giáo viên, gia đình không có ai theo nghệ thuật, Hồng Nam đã đi theo con đường nghệ thuật bằng cái duyên như thế. Hồng Nam tâm sự, quê anh nghèo, gia đình có tới 5 anh em; đến tuổi ăn, tuổi lớn, cơm có bữa còn không đủ no. Quãng đường từ trường về nhà dài 7km mà tưởng chừng đằng đẵng trong đôi mắt của cậu học trò đói bữa, nói chi đến việc tìm hiểu hướng nghiệp? Nhưng Hồng Nam sớm biết rằng mình có giọng hát hay và thích hát. Nhà chỉ có mỗi chiếc cat-sét do bố anh tự lắp, là phương tiện gần như duy nhất nuôi dưỡng ước mơ ca hát của chàng trai quê.

Với chất giọng trời phú, Hồng Nam được các thầy hướng vào học nghệ thuật chèo tại khoa Kịch hát dân tộc, ĐH Sân khấu điện ảnh. Tại đây, Hồng Nam được những bậc thầy của nghệ thuật chèo như Trần Bảng, Mạnh Tuấn, Chu Văn Thức, Thanh Tuyết, Minh Ngọc,… truyền nghề trực tiếp, “bắt tay chỉ ngón”, dạy từng cách diễn, cách hát. Những năm trên ghế nhà trường, Hồng Nam luôn là sinh viên xuất sắc của khoa. Anh giành được nhiều huy chương tại các cuộc thi hát hay sinh viên toàn quốc: Giải nhì cuộc thi “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, huy chương Vàng Liên hoan Giọng hát hay sinh viên toàn quốc năm 1994… Trong buổi biểu diễn tốt nghiệp, vai diễn của Hồng Nam đã chinh phục NSƯT Quốc Chiêm, khi đó là Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội và chính ông đã có lời mời Hồng Nam về Nhà hát. Khi đó, Nhà hát Chèo Hà Nội đã là một địa chỉ nghệ thuật mà rất nhiều sinh viên tìm đến. Những vở chèo được cách tân theo hướng hiện đại như Nàng Sita, Người con gái trở về, Đêm hội Long Trì, Mối tình Đuông Na Li,… khiến công chúng phải đổ xô đến rạp, xếp hàng mua vé tạo nên thương hiệu Nhà hát Chèo Hà Nội lừng lẫy một thời. Nhà hát Chèo Hà Nội cũng nổi tiếng cởi mở trong cách “chiêu hiền đãi sĩ”, quy tụ được rất nhiều nghệ sĩ tài năng từ các địa phương.

Năm 1994, Hồng Nam chính thức là thành viên của Nhà hát chèo Hà Nội.

Kép chính trên sân khấu chèo

Nhiều người nhận xét Hồng Nam có giọng hát ấm và sang trọng. Chất giọng ấy kết hợp với vóc dáng thư sinh như được “đúc” sẵn để Hồng Nam vào những vai kép chính. Anh đã hóa thân vào hầu hết những nhân vật kinh điển của chèo truyền thống như Lưu Bình (trong vở Lưu Bình - Dương Lễ), Thiện Sĩ (trong Quan Âm Thị Kính), Trương Viên (trong Trương Viên), Thạch Sanh,… gần đây là những vai trí thức như học giả Nguyễn Văn Siêu (trong vở Cao Bá Quát), nhà thơ Mộng Tuân (vở Nguyễn Trãi)…

Thích những vai diễn cá tính, có chiều sâu, những vai văn sĩ, trí thức đau đáu nỗi đời - Hồng Nam tâm sự như vậy. Trong chèo truyền thống, nhân vật thường mang tính ước lệ, chuẩn hóa và dập khuôn. Người nghệ sĩ nếu biết “lẩy” được nét riêng của mỗi nhân vật để đặt dấu ấn cá nhân của mình lên nhân vật ấy, thì đó là một thành công và Hồng Nam đã làm được như vậy. Anh đặc biệt tâm đắc khi đóng vai Trương Viên. Nhân vật là người văn võ song toàn, tính kịch độc đáo với rất nhiều cung bậc cảm xúc và anh đã thể hiện một cách nhuần nhuyễn. Năm 2009, khi vở Trương Viên diễn tại Nhà hát Lớn (được truyền hình trực tiếp trên truyền hình), nhiều khán giả đã khóc. Lối diễn có chiều sâu, giàu cảm xúc của Hồng Nam đã chinh phục được cả khán giả và bạn nghề.

Sở hữu cả giọng hát và khả năng diễn xuất, nhưng không ít bạn nghề khi nhắc tới Hồng Nam đều nói anh thiệt thòi. Dường như những vai diễn số phận mà Hồng Nam từng thể hiện, như một phần của “nghiệp”, cũng vận vào cuộc sống của người nghệ sĩ. Thuần thục, thành công với rất nhiều vai diễn, năm 2007 anh đoạt giải Nhì cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc, nhưng vì nhiều lý do, ít khi Hồng Nam được mang tài năng của mình ra thi thố. Ở cái tuổi gần 40, anh lại thành nghệ sĩ… độc thân, sống một mình trong gian nhà tập thể của Nhà hát, cần mẫn tập vở, đi diễn show ngoài để có thể sống được với chèo, với niềm đam mê lớn nhất của mình.

Đường trường luyện 5 cung

Sau những vai diễn đạo mạo, mũ cao áo dài trên sân khấu, tôi gặp Hồng Nam ngoài đời. Anh vận áo phông, quần bò trẻ trung nhưng vẫn giữ lối nói chuyện có phần điềm đạm, từ tốn. Hồng Nam bảo, anh cũng đã ở độ chín của nghề, muốn làm một cái gì đó để đánh dấu những năm tháng cống hiến cho nghệ thuật chèo. Đó là lý do ra đời của CD “Đường trường luyện năm cung”.

CD tuyển tập 10 làn điệu chèo thuộc dòng kinh điển, đã quen thuộc với người yêu chèo: Đào liễu (lời cổ); Sử chuyện – trích trong vở Quan âm Thị Kính (song ca cùng NSƯT Thu Huyền); Sa lệch chênh – trích Lưu Bình- Dương Lễ; Tình thư hạ vị - trích Lưu Bình, Dương Lễ (song ca cùng Phương Mây); Đường trường vị thủy (lời cổ); Luyện năm cung (lời cổ); Quân từ vu dịch – trích Lưu Bình Dương Lễ (song ca cùng Phương Mây); Đường trường trên non (lời cổ); Chinh phụ - trích Tấm Cám; Đường trường phải chiều (lời cổ, song ca cùng NSƯT Thu Huyền). Trước mỗi làn điệu, Hồng Nam đều tỉ mẩn ngồi viết lời dẫn, lời giới thiệu để người nghe hôm nay, nếu mới tiếp cận cũng có thể cảm được vẻ đẹp tinh thần, nội dung của mỗi làn điệu bởi đa số các làn điệu này đều sử dụng lời cổ, nhiều từ Hán Việt khó hiểu.

Thể hiện những làn điệu chèo kinh điển đòi hỏi người nghệ sĩ vừa phải đạt được chuẩn cơ bản, vừa phải có sáng tạo riêng của mình. Là nghệ sĩ được đào tạo bài bản, Hồng Nam đã xử lý bằng "ngón nghề" của mình một cách tinh tế và giàu cảm xúc. Với điệu “Sử chuyện”, anh khoe được giọng hát sang trọng, âm vực rộng, cách xử lý cao độ, trường độ; với “Tình thư hạ vị”, “Quân từ vu dịch” anh lại thuyết phục người nghe bằng chất giọng truyền cảm, ấm áp, nồng nàn… Cả cách Hồng Nam thận trọng với nghề, cẩn trọng lựa chọn từng làn điệu, mời những gương mặt xuất sắc của chiếu chèo Hà Nội như NSƯT Thúy Mùi, nhạc sĩ Hạnh Nhân, NSƯT Thu Huyền, nghệ sĩ Phương Mây,… góp sức, cũng khiến người ta chạnh lòng khi so sánh với việc ra album ào ạt của các ca sĩ nhạc nhẹ. Hồng Nam chọn hai làn điệu nổi tiếng: Đường trường và Luyện năm cung làm tên CD để như một thông điệp gửi gắm tới độc giả, rằng con đường đến với nghệ thuật chèo là con đường dài, khổ luyện công phu, nhưng chứa chất niềm đam mê, tâm huyết và là hạnh phúc của anh. Chiêm nghiệm đó cũng không chỉ của riêng anh, mà của tất cả những ai đang theo đuổi môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có Chèo...

Bảo Lâm