Đổi mới GD-ĐT: Cần có lộ trình thích hợp
Giáo dục - Ngày đăng : 07:10, 28/09/2011
Tại đây các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề: Thế nào là đổi mới căn bản và toàn diện; những quan điểm giáo dục nào cần phải bổ sung, điều chỉnh và phát triển; tổ chức nền giáo dục, quan hệ giữa nhà trường, xã hội và gia đình... Một số chuyên gia đề cập tới các nội dung cụ thể như giảm tải chương trình, đổi mới phương pháp dạy và học, thay đổi cách thi cử, phân luồng học sinh, trường học vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận...
Ý kiến của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình được nhiều người đồng tình khi đặt vấn đề: Phải xác định sứ mạng và mục tiêu của giáo dục Việt Nam trong giai đoạn mười, mười lăm năm tới trên cơ sở tiếp thu, kế thừa những giá trị đã có. Điều cốt lõi cần phải làm lúc này là dạy và học làm người chứ không thể lấy thi cử và bằng cấp làm cứu cánh. Một số nội dung khác thu hút sự quan tâm của các chuyên gia là: Cơ cấu hệ thống giáo dục, nội dung và phương pháp giáo dục, chính sách đối với nhà giáo và lấy quản lý giáo dục làm khâu đột phá trong đổi mới cơ bản và toàn diện. Tiếp thu các ý kiến đóng góp, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết Bộ sẽ tham khảo thêm ý kiến của các nhà khoa học dưới nhiều hình thức để chuẩn bị các nội dung liên quan cho chương trình đổi mới giáo dục - đào tạo của Chính phủ và của Bộ. Trong khi chờ đổi mới căn bản, toàn diện, một số vấn đề cấp bách sẽ được điều chỉnh trước. Đồng ý với quan điểm phải đổi mới giáo dục - đào tạo từ gốc rễ, song Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng lĩnh vực giáo dục không cho phép dùng "liệu pháp" sốc, mà cần có lộ trình thích hợp để người học và người dạy cùng có thời gian chuẩn bị.