Đợi chờ chữ “Tín”
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:38, 28/09/2011
1. Cách đổ tiền vào bóng đá (BĐ) Việt Nam thật khó lường. Một ông chủ tập đoàn tiềm lực mạnh cùng lúc "yêu" hai đội bóng chuyên nghiệp, lúc cao trào bỏ nhiều tỷ đồng để thưởng, mua cầu thủ giỏi về. Ông tỏ động thái yêu cầu phải thế này, nên thế kia với hai đội ấy nhưng Liên đoàn BĐ Việt Nam (VFF) đành chịu dù cái sự "một nách hai con" như dư luận xì xào có thể tạo thêm hệ lụy xấu cho giải BĐ vốn mang tiếng chưa "sạch". Đơn giản vì trên giấy tờ liên quan đến hai đội bóng, chẳng có dòng nào ghi danh ông chủ này. VFF lấy gì để khắc chế cái lý "tôi thích, tôi yêu, tôi cho tiền" rất khó nghĩ là vô tư?
Số người giàu có bỏ tiền vào BĐ rất bạo tay, mỗi năm gần trăm tỷ như chơi. Bỏ ra ngần ấy nhưng tính mục đích không phải với ai cũng rõ ràng. Khán đài vắng hoe ư? Hình ảnh CLB ư?... Có người bảo không cần quảng bá thương hiệu nữa, chỉ vì yêu BĐ nên sùy tiền ra thôi (?)
2. Hậu trường BĐ lắm thứ mù mờ. Chuyện trọng tài, chuyển nhượng, đào tạo trẻ, xác định mục tiêu phát triển, phần việc nào cũng thấy cấn cá giữa nói và làm, giữa mục tiêu và hiện thực. Nhiều ý kiến cho rằng vì mắc lỗi hệ thống nên những cố gắng xoay chuyển tình thế tỏ ra bất lực, khán giả ngày càng nghi ngờ tính trung thực trong BĐ. Chẳng đã rì rầm chuyện xách cặp tiền tìm mua một trận thắng đó sao!
Sự vận hành của BĐ Việt Nam dẫn đến nhiều sự mù mờ khác. Như tiền đạo Lê Công Vinh, giờ vẫn được suy tôn "số một Việt Nam" dù năng lực kém xa cách nay 3-4 năm, nhờ sự nhập nhoạng trong quản lý chuyển nhượng và có cách PR khéo nên "đánh võng" suốt 2 năm qua, giá cao ngất. Mới vài hôm trước, anh này tuyên bố rời CLB cũ dù vừa trước đó đăng đàn tỏ ý ở lại vì cảm cái tình và sự cưu mang mà CLB này dành cho anh lúc thương tật. Người ta rì rào điều có lý, là anh tìm đến nơi trả nhiều tiền hơn, nhưng là bao nhiêu thì chịu. Bởi VFF không ra luật công khai tài chính với CLB nên chẳng ai công bố rõ ràng, "đi đêm" an toàn hơn. Cái sự mù mờ càng tăng khi những ngày này rộ chuyện thủ môn nhập tịch Đinh Hoàng La đòi rời V.Ninh Bình. Cái sự "dứt áo" ấy được luật sư soi theo văn bản pháp quy, hợp đồng lao động, đại ý… vừa đúng vừa sai.
3. Phải làm gì để BĐ Việt Nam thoát cảnh dở giăng dở đèn, chuyên cho ra chuyên để khán giả còn tin vào BĐ?
Đầu tiên là tìm cách để CLB công khai tài chính. CLB chuyên nghiệp vận hành như doanh nghiệp, mua ai, mua bao nhiêu; dành bao nhiêu cho lương, thưởng, bao nhiêu cho đào tạo trẻ, cho huấn luyện, thi đấu? Tất cả rõ ràng thì hạn chế được sự "đi đêm", "rút ruột" CLB khác bằng mọi giá, đỡ sự hỗn loạn về chuyển nhượng và cầu thủ chuyên tâm đá bóng. Muốn công khai, minh bạch thì quy chế phải có điều khoản buộc các CLB chuyên nghiệp làm điều đó.
Thứ hai, phải xóa dứt điểm tình trạng mù mờ trong mối quan hệ của nhà đầu tư, nhà tài trợ với đội bóng. Mục tiêu là giới hạn sự lũng đoạn có thể xuất hiện khi một nơi bỏ tiền vào hai CLB trở lên cùng trong một giải đấu, bất kể hình thức đầu tư, thưởng là vì "yêu" đơn thuần hay có mục đích khác. Muốn vậy thì phải nhờ chuyên gia xây dựng định chế, rõ tính dự báo hẳn hoi. Nên học cách quản lý vấn đề này từ các nước châu Âu, rõ như ban ngày.
Sau mấy điều ấy, lại phải tính cách lành mạnh hóa giải đấu các cấp độ bằng cách hoàn chỉnh mô hình tổ chức và giám sát thi đấu, dứt điểm xử lý trọng tài sai phạm. Muốn vậy thì ở từng khâu phải cố chọn được người đứng đầu phù hợp, lúc này cần nhất là tâm sáng, không liên quan đến "chuyện cũ". Hệ thống đào tạo trẻ mặc định là nhiệm vụ của đội bóng, nhưng nên xác định tiêu chí cụ thể về quy mô, cơ sở vật chất, quyền và nghĩa vụ của CLB và cầu thủ liên quan, quyết không làm cho có được.
Nhiều điều cần nữa, dù những gì vừa nêu đã là quá nhiều. Nhưng, thà xóa đi làm lại từ đầu cho rõ tính hệ thống có khi hay hơn là ì ạch hết năm này qua năm khác trong sự mù mờ.