Hỏi đáp về phong thủy: Sao đơn giản thế?

Sách - Ngày đăng : 15:02, 27/09/2011

(HNNN) - Nhiều người không chịu học hỏi mở mang tri thức, chỉ lo kiếm tiền rồi lại vung tiền ra tìm mua sách nhảm để xem, tầm sư phong thủy ất ơ kiểu này để tin thì không những ngày càng xa vời kiến thức chân chính mà chắc chắn còn tiền mất tật mang!

Tiếp tục với “100 câu hỏi về phong thủy nhà ở”, lần này là những chi tiết về kiến trúc xây dựng và nội thất nhà cửa.

1. Tại sao cửa lớn nên dùng màu sắc trung hòa? Phong thủy học truyền thống cho rằng, màu sắc sau đây là những gam màu hỷ-kị cho 8 phương vị cổng. Ví dụ: Cửa hướng Đông màu tốt xanh-đen-lam, màu xấu đỏ-tím-vàng chanh; cửa hướng Nam màu tốt xanh lục-đỏ-tím-vàng chanh, màu xấu đen-lam-cà phê; cửa hướng Đông Nam màu tốt xanh lục-đen-lam, màu xấu vàng-trắng-đỏ-tím… (trang 72-74).

- Giả thiết rằng, các loại màu này có ý nghĩa đúng như thế, thì mấy ai chịu sơn màu đỏ, đen, tím ở cửa lớn, cửa ra vào? Nhìn một cánh cửa vào nhà hướng Đông sơn màu đen xì, liệu người ta sẽ nghĩ sao về chủ nhà, một nhà hàng hướng Nam lại sơn màu đỏ rực, liệu có đông khách chăng hoặc một shop thời trang hướng Bắc, lắp cửa kính lớn, đèn điện khoe hàng long lanh lại sơn màu tím ngắt thì kinh doanh, tiếp thị kiểu gì đây?

2. Cửa và cửa sổ tại sao không nên quá nhiều? Nhiều cửa sổ sẽ sản sinh dòng khí đối lưu mạnh không có lợi cho cơ thể người; nhà quá nhiều cửa hoặc cửa lớn lồng cửa nhỏ thì người đàn ông chủ gia đình hay có tính trăng hoa léng phéng, ngoại tình (trang 75-76).

- Phần trước của sách 100 câu hỏi trang 32-34, tác giả cuốn sách khuyên rằng, nếu nhà không thể ngoảnh mặt về hướng Nam thì nên trổ nhiều cửa sổ về hướng Nam! Vậy mà, chỉ mấy chục trang sau lại cảnh báo độc giả rằng nhiều cửa sổ không có lợi cho cơ thể người? Cũng giống như mấy tác giả phong thủy trước, tác giả cuốn sách cũng quy kết việc chủ gia đình có tính trăng hoa léng phéng, ngoại tình là do nhà có nhiều cửa sổ? Bản chất của một người không liên quan gì đến cửa ra vào hay cửa sổ, vì khối người ở nhà chỉ có một cửa ra vào duy nhất mà vẫn lăng nhăng; ngược lại kẻ nhà cao cửa rộng, cửa nhiều muốn lăng nhăng cũng không dám? Đấy là còn chưa bàn đến vấn đề trong nhiều gia đình bây giờ, chủ nhân lại là bà chứ không phải ông!

3. Trong sân vườn nên trồng thực vật loại gì? Phong thủy học coi thực vật có linh tính, đặc biệt có ảnh hưởng rất lớn đến đời người, sức khỏe, sự nghiệp. Về mặt truyền thống cho rằng, thực vật cát tường có tác dụng che chắn ngôi nhà, bảo vệ sinh mạng con người nên được coi là thần bảo hộ của ngôi nhà. Một số cây đem lại may mắn cho gia chủ như: Cây họ cọ (sinh tài, hộ tài), cây cam, quýt, quất (mang lại niềm vui, cát tường cho gia đình), cây linh chi, cây đa, cây tùng bách, cây lựu, cây hải đường, dạ hương… (trang 86- 88).

- Vấn đề cây cối có lợi cho môi trường, con người và sức khỏe thế nào thì ai cũng biết, nhưng nhấn mạnh cây cối có khả năng bảo vệ sinh mạng con người và là thần bảo hộ ngôi nhà thì mang hơi hướng thần thoại hóa. Nếu đúng thế thật, chủ các biệt thự cao cấp và giàu có không cần thuê vệ sĩ, chỉ cần trồng cây bảo hộ là không trộm nào dãm lai vãng đến và chủ nhà sống yên tâm đến hết đời không bao giờ bị bệnh tật, tai nạn? Nhưng một số cây đem lại may mắn cho gia chủ chỉ có hoa, quả theo mùa (quất, quýt, lựu, dạ hương), đến khi hết mùa hoa tàn-quả rụng thì hiện tượng sinh học ấy có chuyển hóa thành điềm báo thất tài cho gia chủ không?

4. Phòng khách tại sao phải đặt bình phong? Trong phòng khách mà không có bình phong (tấm chắn gió), thì dòng khí từ ngoài xộc thẳng vào với sức mạnh không gì cản nổi, nếu có bình phong thì lại khác, dòng khí sẽ buộc phải đi lượn vòng qua, sẽ dịu dàng tự nhiên hơn, bớt hung hăng ban đầu. Thực ra, nhìn từ góc độ y học hiện đại, nơi phòng khách rộng do đặt bình phong làm cho tốc độ luồng khí lùa từ ngoài vào bị giảm bớt tốc độ, làm cho luồng khí sát với cơ thể người dần phù hợp với tốc độ vận hành của khí huyết cơ thể con người (trang 99- 100).

- Nhiều gia đình đặt bình phong chỉ nhằm mục đích trang trí lịch sự theo hình thức Á Đông cổ mà thôi. Còn đe dọa độc giả về luồng khí sát cơ thể người dần phù hợp với tốc độ vận hành của khí huyết thì dường như đã biến chúng ta thành người pha lê mỏng manh, kinh mạch yếu ớt! Trong khi thực tế hàng ngày, chúng ta phóng xe máy trên đường với tốc độ nhanh hơn gió cuốn, cơ thể va đập với đủ loại luồng khí hỗn hợp, hùng hổ hơn gió trong phòng mà vẫn thích nghi đấy thôi?

5. Phòng ngủ tại sao không nên kèm phòng vệ sinh? Phong thủy truyền thống cho rằng, phòng vệ sinh là nơi âm khí tương đối nặng nề, đồng thời cũng là nơi sản sinh không khí ô nhiễm. Nếu như phòng ngủ của bạn ở dạng căn hộ khép kín, thì có cách giải quyết là: Trong nhà xí đặt mấy bồn cây cảnh lá to, lá xanh có tác dụng hấp thụ bớt khí ô uế. Nếu điều kiện kinh tế cho phép và diện tích phòng ốc đủ rộng, ta đặt tấm bình phong hoặc tủ rộng, cao ngăn cách giữa cửa nhà vệ sinh với phòng ngủ (trang 130).

- Trong những khu nhà chung cư cũ, xây từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước thì nhà vệ sinh được thiết kế tách rời ra khỏi căn hộ để dùng chung (Kim Liên) hay phải đi qua một hành lang nhỏ ngoài phòng chính mới đến (Giảng Võ, Thành Công) nên nhiều người bị đột quỵ khi đi từ phòng kín ra chỗ gió lùa lúc nửa đêm, vì thế bây giờ người ta thiết kế W.C khép kín trong phòng để sử dụng thuận tiện và đảm bảo sức khỏe. Giải pháp tác giả nêu ra thật khó hiểu: Tại sao phải đặt bình phong hoặc tủ ngăn cách giữa phòng ngủ và W.C, khi thực tế bây giờ giữa hai buồng bao giờ cũng có cửa gỗ hoặc cửa kính rất kín, có cả quạt thông gió? Nếu tác giả muốn ám chỉ loại nhà tạm, nhà cộng đồng ở gầm cầu hay bờ đê, xóm bãi thì dân cư không cần quan tâm đến phong thủy, vì họ quá thân quen với gió, mưa, nóng lạnh quanh năm bất thường rồi!

Như thế, gọi là hỏi đáp về phong thủy, nhưng càng giải thích thì vấn đề lại càng thêm rối rắm và càng nhiều câu hỏi nảy sinh thêm, bởi thực tế cuộc sống bây giờ so với những lý thuyết cổ lỗ từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước đã hoàn toàn xa lạ, lạc lõng. Lập luận mà những nhà phong thủy trình bày trong hầu hết các cuốn sách thường được lặp đi lặp lại một cách máy móc, lời lẽ hoang sơ, kiến thức cơ bản về âm dương ngũ hành mông lung chồng chéo, chủ yếu dựa vào trích dẫn một số tên sách cổ về phong thủy của Trung Quốc, từ cái thời mê tín dị đoan ngự trị mà không chịu hiểu rằng bây giờ đang là thế kỷ XXI, thời đại của tin học, máy tính, máy lạnh, hút ẩm, sóng điện từ, vệ tinh địa tĩnh… Mọi lý thuyết dù giá trị đến mấy cũng trở nên vô nghĩa nếu không thể sử dụng hiệu quả được hoặc khi áp dụng vào thực tế cuộc sống lại thành phản lý thuyết. Tóm lại, lời giới thiệu hoa mỹ là vận dụng thực tế trong hiện đại để phục vụ nhân dân tốt hơn nữa đã không có lời giải khoa học thỏa đáng. Ngược lại, một câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao nhiều nhà xuất bản lại đua nhau cho ra đời những cuốn sách phong thủy lá cải rẻ tiền như thế để góp phần làm u mê độc giả? Và tiếc rằng, xã hội còn rất nhiều người không chịu học hỏi mở mang tri thức, chỉ lo kiếm tiền rồi lại vung tiền ra tìm mua sách nhảm để xem, tầm sư phong thủy ất ơ kiểu này để tin thì không những ngày càng xa vời kiến thức chân chính mà chắc chắn còn tiền mất tật mang!

Mr. Địa Lâm