Mấu chốt là vốn đầu tư

Kinh tế - Ngày đăng : 07:40, 27/09/2011

(HNM) - Giao thông được xác định là mạch máu của quốc gia. Trên thực tế, giao thông phát triển tới đâu, KT-XH khu vực đó được cải thiện và phát triển tốt đến đó.


Đường làng xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Ảnh: Bá Hoạt

Đường GTNT vừa thiếu, vừa kém chất lượng

Cùng với sự phát triển của đất nước, khu vực nông thôn thời gian qua đã được quan tâm đầu tư đặc biệt để không bị tụt hậu với các khu vực khác. Giao thông giữ vai trò đi trước, là tiền đề quan trọng để phát triển KT-XH. Theo Bộ GTVT, cả nước hiện có 556 huyện, 9.121 xã; riêng giai đoạn 2006-2010, đã xây mới được 34.811km đường GTNT, trong đó đường cấp huyện là 1.563km, đường cấp xã là 17.414km, đường thôn, xóm là 15.835km. Tuy nhiên, Bộ GTVT thừa nhận, dù đã được chú trọng đầu tư, nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đến năm 2010, mới chỉ có hơn 28% đường GTNT được trải nhựa hoặc làm bằng bê tông xi măng; còn lại là mặt đường đá dăm, cấp phối, đường đất, trong đó đường đất chiếm gần 43%. Tỷ lệ rải mặt đường giữa các vùng cũng không đồng đều. Chỉ tính riêng đường huyện, đường xã thì khu vực đồng bằng, ven biển chiếm tỷ lệ khá cao như: Đồng bằng sông Hồng (52,71%), Bắc Trung bộ và ven biển Nam Trung bộ (35,43%), nhưng ở vùng trung du, miền núi phía Bắc tỷ lệ mặt đường rải nhựa chỉ chiếm 12,44%. Về xét tiêu chí kỹ thuật, đường huyện chủ yếu là đường cấp VI, cấp V, thậm chí là loại A-GTNT; đường xã phần lớn là loại A, B-GTNT. Chất lượng cầu cống trên hệ thống đường cấp huyện, xã nhìn chung còn thấp, thiếu đồng bộ. Kinh phí để duy tu, bảo dưỡng hệ thống GTNT gần như không có.

Đáng lo ngại hơn là mục tiêu đề ra đến năm 2010, 100% các xã có đường ô tô đến tận nơi, nhưng hiện vẫn còn 149 xã chưa có đường ô tô đến được trung tâm xã vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Đây thực sự là trở ngại vô cùng lớn để có thể thúc đẩy giao thương, phát triển KT-XH và ngay cả công tác cứu hộ nếu xảy ra thiên tai, lũ lụt. Nhiều xã chưa giải quyết tận gốc việc xây dựng đường kiên cố đến trung tâm nên đến mùa mưa lại bị hỏng, gây ách tắc. Không ít xã kết hợp sử dụng đê thủy lợi làm đường dẫn đến trung tâm nên phần nào bị cản trở trong đi lại vào mùa mưa lũ (do yêu cầu bảo vệ đê điều)…

Vẫn là vấn đề vốn

Giải quyết bài toán GTNT là chuyện không đơn giản và Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét, phê duyệt chiến lược để làm định hướng cho các địa phương, bộ, ngành đầu tư, quản lý. Việc có báo cáo cụ thể về chiến lược đã cho thấy sự quan tâm hơn tới GTNT, bởi trước đây mới chỉ có hai nghiên cứu về lĩnh vực này nhưng cũng còn không ít hạn chế.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là yêu cầu bắt buộc. Ước tính, thời gian tới cần khoảng 151.404 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp và bảo trì cho hệ thống đường GTNT. Đó là chưa kể tới nguồn vốn nâng cấp, cải tạo, xây dựng đường ô tô đến trung tâm các xã chưa có đường ô tô và phát triển đường thủy... Đây thực sự là bài toán khó, bởi do nguồn vốn hạn chế, nên thời gian qua mới chỉ ưu tiên bố trí kinh phí cho các công trình giao thông chính. Ngân sách địa phương có hạn và phải kêu gọi thêm sự đóng góp của nhân dân. Các dự án ở cấp TƯ quản lý về GTNT nhìn chung còn ít và hạn chế. Thông qua Chương trình 135, cũng chỉ có các xã đặc biệt khó khăn miền núi được ưu tiên, bố trí vốn đầu tư mạnh, trong đó có giao thông.

Một kế hoạch tổng thể phát triển GTNT như chiến lược đề ra mang tầm bao quát, rộng lớn hơn, vì thế tìm kiếm nguồn vốn để hiện thực hóa sẽ mang tính then chốt. Theo Bộ GTVT, cần huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển GTNT. Tuy nhiên, để kêu gọi nhà đầu tư vào khu vực này không dễ, bởi hình thức đầu tư giao thông BOT vẫn chưa đủ sức hút nhiều doanh nghiệp. Đầu tư về nông thôn, rồi thu hồi vốn bằng thu phí càng khó thuyết phục nhà đầu tư. Các dự án đổi đất lấy hạ tầng đã được thực hiện rầm rộ ở một số đô thị lớn, nhưng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thực sự… xa vời. Nhiều nơi rất thành công với chính sách kêu gọi Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng đó chỉ là những đoạn tuyến nhỏ, chủ yếu là đường thôn, xóm. Những dự án lớn hơn, chắc chắn sẽ quá sức với nguồn ngân sách eo hẹp địa phương, chưa nói tới khả năng có hạn của người dân. Ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách hoặc kêu gọi các nhà tài trợ cho dự án ODA cho phát triển GTNT dù còn những khó khăn song thực sự là có tính khả thi và chỉ có như vậy mới tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ.

Nguyễn Đức