Cách nào hiệu quả?
Đời sống - Ngày đăng : 07:29, 27/09/2011
Mới đây, tại buổi tọa đàm thực trạng và giải pháp quản lý người sau cai nghiện ở TTGDLĐHN thanh niên Hà Nội, rất nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, hiệu quả của lao động hướng nghiệp sau cai sẽ giúp các học viên có nghề, ổn định cuộc sống, tránh tái nghiện. Nhưng thực tế ở các TTGDLĐHN hiện nay đang rất khó khăn trong đào tạo nghề. Bởi, cơ sở vật chất, dây chuyền thực hành thiếu thốn; khuôn viên, dịch vụ chưa bảo đảm khiến nhiều học viên chưa ổn định tư tưởng, yên tâm học và làm việc.
Phạm nhân nữ học nghề tại TTGDLĐXH số 2 Hà Nội. Ảnh: Huyền Linh
Giám đốc TTGDLĐXH số 5 Phùng Quang Thức cho biết, rất nhiều phụ huynh khi đưa con gửi vào trung tâm đều đặt câu hỏi "Cai nghiện xong thì con tôi có được học nghề không? Vấn đề việc làm sau cai thì như thế nào?''... Giải đáp câu hỏi này không dễ khi chỉ có 60% quỹ thời gian trong 2 năm tại trung tâm là học nghề; còn lại là dành cho giáo dục, chữa bệnh. Bên cạnh đó, có nghề, thạo nghề đã là vấn đề khó, còn để có việc làm tốt sau khi trở về cộng đồng thì càng khó khăn, do còn phụ thuộc vào môi trường, kỹ năng sống và sức khỏe của từng học viên... Ngay cả chuyện phối hợp với DN tạo việc làm giúp học viên ngay tại trung tâm cũng đầy gian nan, khi mà DN hết đòi nhân công giá rẻ, lại còn e ngại nếu hàng hóa hỏng, lỗi thì bắt đền ai? Bà Nguyễn Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) Thanh niên Hà Nội đồng quan điểm khi cho rằng, câu hỏi các học viên sau cai nghiện, được hỗ trợ học nghề trở về địa phương thì làm ở đâu, ai nhận... lâu nay chưa có câu trả lời, bởi phần lớn các DN, cơ sở sản xuất còn e dè, ngại ngùng về quá khứ của người lao động từng là người nghiện.
Thời gian qua, TTGTVL Thanh niên Hà Nội đã phối hợp với một số trung tâm sau cai để dạy các nghề như sửa xe máy, nấu ăn, may… nhưng các học viên lại không thích những nghề này, mà lại thích nghề lái xe. Tuy nhiên, nhiều đơn vị trăn trở rằng, nếu học nghề lái xe, nhưng về cộng đồng ai thuê lái (vì sợ mang cầm cố, trộm cắp)... Thêm nữa là học phí cho đào tạo lái xe cao, phải cần thêm sự hỗ trợ của gia đình, trong khi đó hầu hết gia đình học viên đều khó khăn. Cũng theo khảo sát, thăm dò ý kiến của một số DN trên địa bàn Hà Nội, họ bày tỏ quan điểm thà nhận lao động là người khuyết tật còn hơn nhận lao động là người sau cai nghiện. Đây có lẽ là những rào cản lớn đối với người sau cai trở về địa phương, vì thế tình trạng tái nghiện luôn ở mức cao (khoảng hơn 90%).
Đóng… và mở
"Đóng" về giáo dục, nhưng "mở" về học nghề, giải quyết việc làm tại các trung tâm sau cai là quan điểm của nhiều cán bộ quản lý về công tác phòng, chống tội phạm và TNXH TP Hà Nội. Bởi đa số người sau cai không phải là người bị xử lý hành chính như đối tượng cai nghiện, nên môi trường giáo dục, quản lý phải phù hợp với cộng đồng. Ví như cần thiết có các dịch vụ lành mạnh như cắt tóc, văn phòng phẩm, quán nước… phục vụ học viên. Tuy nhiên, hiện nay, do thiếu đầu tư cơ sở vật chất nên các nhu cầu này của các học viên cũng chưa được đáp ứng.
Bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai, Trung tá Nguyễn Văn Quyền, BCĐ Phòng, chống ma túy và TNXH TP Hà Nội cho rằng, mỗi năm, TP Hà Nội dành gần 100 tỷ đồng cho công tác phòng, chống ma túy và TNXH, nhưng ở các trung tâm lại thiếu các dây chuyền để học viên học, thực hành và sản xuất. Cần thiết, Sở LĐ,TB&XH TP xây dựng đề án, hỗ trợ mỗi trung tâm một dây chuyền sản xuất hiện đại, thì sẽ phối hợp được nhiều DN giải bài toán tạo việc làm cho người sau cai, giúp học viên ổn định đời sống hơn trong thời gian giáo dục, lao động tại trung tâm. Còn theo quan điểm của ông Lê Đình Hiền, Cục phó Cục Phòng, chống TNXH - Bộ LĐ,TB&XH, ngoài đề nghị Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất thì bản thân mỗi cán bộ các trung tâm cũng cần nâng cao trách nhiệm, tránh việc đối xử thiếu công bằng, ''có tiền thì yêu, không có thì ghét''? Chỉ khi nào hiện tượng đó được giải quyết triệt để thì việc quản lý người sau cai nghiện mới thực sự đạt hiệu quả, giúp người sau cai nghiện ổn định tư tưởng, yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống, tránh tái nghiện.