Hết lòng vì trẻ thiệt thòi

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:25, 27/09/2011

(HNM) - Hơn 6 năm miệt mài chăm sóc trẻ mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng ở Nhà trẻ Hữu Nghị (số 13, ngõ 230, phố Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chị Phạm Thị Ngọc Bích (sinh năm 1959) đã trở thành người mẹ đáng tin cậy của hàng chục đứa con.


Chị Bích vốn là giáo viên mầm non nghỉ chế độ 176. Sống gần Nhà trẻ Hữu Nghị, biết hoàn cảnh của các cháu rất khó khăn, thiếu thốn cả về tình cảm lẫn vật chất, chị quyết định chia sẻ khó khăn, bù đắp cho lũ trẻ. Thời gian đầu, chị hết sức ngỡ ngàng khi tiếp xúc với các cháu ở nhà trẻ. 25 đứa trẻ là 25 tính cách khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ đã lâu không được cha mẹ gần gũi, dạy bảo nên rất ngỗ ngược, ít biết vâng lời. Ngày làm việc vất vả, đêm về chị Bích đọc sách tâm lý, suy nghĩ rất nhiều. Sau cùng, chị xác định: Lỗi không thuộc về những đứa trẻ. Chỉ vì chúng không được quan tâm, dạy dỗ nên mới ương ngạnh như vậy. Hơn nữa, những trẻ khó bảo đều ở lứa tuổi vị thành niên, có những biến động về tâm sinh lý. Với lòng yêu thương con trẻ, chị dành thời gian tìm hiểu hoàn cảnh, gặp gỡ ông bà, người thân của từng cháu. Dần dà, chị thuộc tính nết từng đứa. Những hôm trẻ đi học về muộn, lòng lo lắng khôn nguôi, chị tìm tới những nơi trẻ thích chơi đùa: Bé Ngọc thích ra công viên chơi, bé Đức thích ra sông tắm, lại có đứa rất thích đi chơi rong với bạn… Tìm không thấy, chị liên lạc ngay với thầy, cô giáo, người thân của cháu nhờ họ cùng tìm kiếm. Sợ nhất là những hôm trời mưa, lũ trẻ rủ nhau ra sông tắm, rất dễ bị nước cuốn hoặc cát sụt. Khuya mấy chị cũng mặc áo mưa lặn lội ra cảng Hà Nội tìm con, hỏi dò tin tức những người làm việc trong cảng. Sau những lần ấy, chị nhẹ nhàng mà nghiêm khắc phân tích lỗi lầm của trẻ, chỉ cho chúng thấy những nguy hiểm rình rập trong lúc chúng mải mê chơi đùa. Tình thương yêu của chị đã cảm hóa được chúng. Chị dần trở thành người mẹ đáng tin cậy, để lũ trẻ thổ lộ những buồn vui, lo lắng, mong chờ…

Với chị, con nào cũng là con, nhưng cháu Đinh Trọng Phúc (bị khuyết tật chân, mồ côi cả cha mẹ, chỉ có bà nội già yếu mù lòa là người thân, được nhà trẻ nuôi dưỡng 11 năm) được chị quan tâm hơn. Chị dạy Phúc từ kỹ năng sống, cách bày tỏ tình cảm với các mẹ, anh chị em, sắp xếp thời gian học tập, nghỉ ngơi, nhặt rau, vo gạo… Phúc đã coi chị Bích là người mẹ thứ hai của mình. Làm việc vất vả theo ca, lại hay đi đêm về hôm, lương thấp, nhưng chị Bích quyết định gắn bó cuộc đời với những trẻ thiệt thòi. Chị nghĩ: Đấy là cách bù đắp cho lũ trẻ và cũng là bù đắp cho hoàn cảnh đơn thân của mình.

Từ tình cảm và sự tận tụy hết lòng của chị Bích, lũ trẻ ngày một khỏe mạnh, khôn lớn. Đến giờ, nhiều cháu đã trưởng thành, lập gia đình, có cuộc sống ổn định. Mỗi năm vào dịp lễ, tết (mùng 8-3, 20-10, Trung thu, 1-6…), đàn con của chị lại sum vầy về bên mẹ. Sự trưởng thành của chúng là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời chị.

Nguyễn Linh