Chủ động ứng phó mọi tình huống
Đời sống - Ngày đăng : 07:16, 27/09/2011
Nông dân tỉnh Quảng Trị gặt lúa chạy bão. Ảnh: Hồ Cầu – TTXVN
Bão chồng bão
Cơ quan Khí tượng thủy văn cho biết, sáng nay 27-9, tâm bão số 4 đổ bộ vào các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị với sức gió mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km/giờ), giật cấp 9, cấp 10. Từ tối qua (26-9), vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế gió đã mạnh cấp 6, cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 kèm theo mưa vừa, mưa to đến rất to.
Cũng theo cơ quan khí tượng, một "siêu bão" khác có tên quốc tế NESAT đã hình thành ở phía Đông quần đảo Philippines, di chuyển theo hướng Tây và Tây Tây bắc với tốc độ khoảng 20km một giờ. Dự báo, chiều tối và đêm nay (27-9) bão đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông. Do ảnh hưởng của bão, từ chiều nay (27-9) vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15, biển động dữ dội. Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV trung ương, dự báo ban đầu bão NESAT đổ bộ vào Hồng Kông nhưng hiện bão đang có xu hướng lệch xuống phía Nam, tiến về bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), vì thế, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tới nước ta.
Căng mình chống đỡ
Phó Cục trưởng Cục Đê điều và PCLB Vũ Văn Tú cho biết, chiều tối qua (26-9), tàu Đà Nẵng mang số hiệu 00234 bị sóng đánh chìm trên đường di chuyển tránh bão đã được đưa vào bờ an toàn. Còn theo Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, thuyền viên Nguyễn Hữu Viết trên tàu cá của Tuy Hòa - Phú Yên trên đường di chuyển đến Cà Ná - Bình Thuận đã bị rơi xuống biển mất tích. Ngoài ra, sáng sớm 26-9, thuyền đánh cá của ông Trần Văn Long ở Thừa Thiên Huế có 3 người trên tàu gặp sự cố chết máy và trôi dạt trên biển đã được Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 Đà Nẵng kịp thời ứng cứu.
Tàu thuyền của ngư dân tỉnh Bình Định trú bão số 4 tại Khu neo đậu tàu thuyền phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn. Ảnh: Viết Ý - TTXVN
Hôm qua 26-9, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã có lệnh cấm tàu, thuyền ra khơi. Hiện 31.459 tàu, thuyền với 147.290 người đã biết thông tin để trú tránh bão. Tại tỉnh Quảng Bình đã sơ tán 50.000 dân ra khỏi nơi nguy hiểm. Tại tỉnh Hà Tĩnh đã cho học sinh các trường nghỉ 2 ngày để tập trung lực lượng thu hoạch lúa hè thu. Tỉnh Quảng Trị đã gấp rút triển khai các biện pháp phòng tránh bão theo phương châm 4 tại chỗ; lên phương án sẵn sàng sơ tán 2.500 hộ dân ở các vùng xung yếu đến nơi an toàn, đồng thời dự trữ lương thực, thực phẩm đề phòng mưa lũ kéo dài. Huyện đảo Cồn Cỏ đã dự trữ 1,5 tấn gạo, 50 thùng mì ăn liền cùng các nhu yếu phẩm khác. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 2 người mất tích trong lũ. Tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Công thương dự trữ 100 tấn gạo và 100 tấn mì ăn liền sẵn sàng ứng cứu người dân khi xảy ra mưa lũ, chia cắt dài ngày.
Trong 2 cuộc họp khẩn sáng và chiều tối 26-9 của Ban Chỉ đạo PCLB trung ương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị tất cả các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo quyết liệt việc kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão và các tàu thuyền ven biển cần tìm phương án neo đậu, gia cố nhà cửa an toàn để giảm thiểu thiệt hại do bão; huy động vật tư, phương tiện, nhân lực để gia cố bờ bao, đê bao, phòng chống sạt lở bờ sông bảo vệ dân cư và diện tích lúa vụ 3, đặc biệt là chống lũ, cứu lúa tại An Giang và Đồng Tháp. Các địa phương chủ động di dời dân cư ở các khu vực sạt lở, ngập sâu để bảo đảm an toàn; khẩn trương thu hoạch các trà lúa đã chín. Bộ NN&PTNT đã có tờ trình Chính phủ hỗ trợ 170 tỷ đồng cho các tỉnh khu vực ĐBSCL gia cố bờ bao, sơ tán, bảo vệ người và tài sản trong đợt bão lũ này.