Cột cờ Hà Nội chuyển tên thành... Kỳ đài
Xã hội - Ngày đăng : 16:21, 26/09/2011
Cụm từ đã đi vào tâm thức
Trên đường Điện Biên Phủ, ngay gần cửa Bảo tàng Quân sự có một tấm biển đề hàng chữ: “Di sản văn hóa thế giới: Di tích Kỳ đài”. Không cứ gì du khách, nhiều người dân Hà Nội đi qua đây đã rất ngỡ ngàng với câu hỏi: “Tại sao không phải là “Cột cờ Hà Nội” mà lại là “Kỳ đài”? Nghe thật lạ lẫm!”.
Thắc mắc của người dân xét về mặt ngữ nghĩa và về mặt tinh thần đều có lý. Từ “Kỳ đài” là từ Hán Việt trong đó nghĩa từng từ kỳ là cờ, đài là nhà làm cao để có thể nhìn xa. Trong sử sách, kỳ đài là một hạng mục không thể thiếu đối với những thành quách ở kinh đô và cựu đô ở thời Nguyễn. Kỳ đài Thăng Long theo sách Đại Nam nhất thống chí chép, “đời vua Gia Long năm thứ tư, sai quan đốc sức việc xây đắp, trong thành dựng kỳ đài”.
Cũng theo sử sách, mặc dù tại Kỳ đài Hà Nội trên đỉnh có biển đề hai chữ “Kỳ đài” nhưng đã từ lâu người dân Hà Nội quen với tên gọi “Cột cờ Hà Nội” và địa danh này được coi như một biểu tượng của Hà Nội... Nơi đây đã từng trải qua những phen binh lửa khi quân Pháp chiếm Hà Nội, chứng kiến sự hy sinh oanh liệt của hai quan Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, cũng như những sự kiện lịch sử hào hùng của cách mạng Việt Nam sau này.
Như vậy, cả về mặt ngữ nghĩa, lẫn tinh thần, cụm từ “Cột cờ Hà Nội” đã thực sự gắn bó, ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân Thủ đô nói riêng và người Việt Nam nói chung. Còn nhớ, lúc sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết: “Nhà tôi 24 Cột Cờ/ Ai yêu thì ghé, hững hờ thì qua”. Còn theo cuốn “Đường phố Hà Nội” của Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá (NXB Hà Nội, 1979), ngày 7-5-1954, con đường chạy dưới chân Cột cờ Hà Nội đã từng được gọi tên là đường Cột Cờ. Sau này, “ngày 7-5-1954, trong không khí toàn dân tưng bừng kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, vào lúc 17h30, quân và dân Hà Nội đã tổ chức lễ trọng thể đổi tên đường Cột Cờ là đường Điện Biên Phủ”.
Cột cờ Hà Nội
Dùng từ Hán - Việt tùy tiện, nên chăng?
Người viết bài này không phải là nhà ngôn ngữ học nên không dám lạm bàn sâu về câu chuyện ngôn ngữ. Chỉ biết rằng, vấn đề dùng từ Hán - Việt thế nào cho phù hợp, để bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt không phải bây giờ mới được nhắc đến.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khi nói và viết, Người không bao giờ dùng từ Hán -Việt nếu từ đó có thể thay thế bằng những từ thuần Việt. Ví dụ, Người nói hoặc viết “học sinh trai”,”học sinh gái” chứ không phải là “nam học sinh”, “nữ học sinh”, trong những năm chống Mỹ, Bác Hồ đã thay thế từ “nữ dân quân” bằng từ “dân quân gái”; phong trào thi đua “Ba đảm nhiệm” bằng phong trào thi đua “Ba đảm đang”...
Biển hiệu “Di tích Kỳ đài”
Mặc dù là người thông thạo nhiều ngoại ngữ, nhất là Hán ngữ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương cho chúng ta về làm trong sáng tiếng Việt - trách nhiệm của mỗi người Việt Nam thực thụ. Nhiều từ thuần Việt, khi được Người mạnh dạn thay thế đã được báo chí sử dụng theo và sau đó, các từ mới này đã hoàn toàn chiếm ưu thế.
Tuy nhiên, Người cũng rất am hiểu sự tinh tế, sức sống riêng của những từ Hán - Việt và kể cả những từ có nguồn gốc nước ngoài khác trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam. Chính vì thế, khi sắp đi xa, trong Di chúc, Người viết “tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Thử nghĩ xem nếu “nhi đồng” được thay bằng “trẻ con” - là từ thuần Việt tương ứng, tương tự như “Hội phụ nữ” thay bằng “Hội đàn bà” trong những ngữ cảnh này là không phù hợp chút nào.
Gần đây, trong văn phong báo chí, có tình trạng lạm dụng từ Hán - Việt quá nhiều. Không những thế, còn lạm dụng sai. Đơn cử như từ “cứu cánh”, theo Hán - Việt từ điển của Đào Duy Anh thì “cứu cánh” có nghĩa đúng là “mục đích cuối cùng”, nhưng khá nhiều người thường hay hiểu từ này với nghĩa là “cứu giúp” hoặc “cứu vãn”...
Do đó, một câu hỏi đặt ra ở đây là dùng từ Hán - Việt tùy tiện, nên chăng? Nhất là khi bản thân người dùng không hiểu rõ về từ đó mà chỉ dùng như một thói quen, hoặc từ đó đã có từ thuần Việt thay thế và đang được người dân yêu thích sử dụng như ví dụ về “Kỳ đài” và “Cột cờ Hà Nội” đã nói ở trên.