Làng Giáp Nhất

Xã hội - Ngày đăng : 07:58, 08/02/2004

Giáp Nhất (thôn Bùi Tây) của xã Thịnh Liệt cũ, nay thuộc phường Thịnh Liệt, nằm dọc đường Thiên lý (Quốc lộ 1A), từ Cầu Tiên ở phía Nam qua Đuôi Cá lên đến Cầu Sét, phía Bắc giáp với Giáp Lục và Giáp Bát, phía Đông giáp với Giáp Nhị, phía Tây giáp làng Định Công Hạ và làng Đại Từ (phường Đại Kim), phía Nam giáp với làng Pháp Vân (phường Hoàng Liệt).

Giáp Nhất (thôn Bùi Tây) của xã Thịnh Liệt cũ, nay thuộc phường Thịnh Liệt, nằm dọc đường Thiên lý (Quốc lộ 1A), từ Cầu Tiên ở phía Nam qua Đuôi Cá lên đến Cầu Sét, phía Bắc giáp với Giáp Lục và Giáp Bát, phía Đông giáp với Giáp Nhị, phía Tây giáp làng Định Công Hạ và làng Đại Từ (phường Đại Kim), phía Nam giáp với làng Pháp Vân (phường Hoàng Liệt).

Cư dân Giáp Nhất chủ yếu là họ Bùi, vốn là chi ất của họ Bùi Giáp Nhị tách ra, nên gọi là Bùi Tây (Giáp Nhị là Bùi Đông). Song họ Bùi Tây không có nhiều người danh tiếng, thần thế và không đông đinh bằng họ Bùi Đông - chi Giáp ở Giáp Nhị.

Vị trí địa lý của làng gần đường Thiên lý, luôn tiếp xúc với đủ các thành phần dân cư, ban đêm thì trộm cướp, ban ngày thì bị lính trạm hạch sách (chính vì thế mà họ Bùi Đông - Giáp Nhị đã nhường đất ruộng ở gần đường cái của mình cho Giáp Nhất và lùi vào phía bên trong đường cái quan; ngược lại, người Giáp Nhất phải gánh các việc công vụ và được miễn các khoản đóng góp). Tương truyền, trước đây nam giới làng Giáp Nhất chuyên nghề làm phu trạm, phu cáng; phụ nữ thì mở quán bán hàng nước cho khách qua đường - những việc trước kia bị thành kiến là “trai thì ngỗ nghịch, gái thì không chính chuyên”, hay “trai ở trại, gái hàng cơm”... Vì thế, tổ chức làng xã ở Giáp Nhất không thật chặt chẽ.

Với vị trí như vậy, người Giáp Nhất suốt ngày phải lo kiếm sống và đối phó với các thành phần trong xã hội để tồn tại, cho nên ít có điều kiện dành cho học hành. Tục truyền Giáp Nhất có kiểu đất “Con rắn cộc”, thiên phát về võ, có phú quý cũng không được bền lâu. Chính vì thế, dòng họ Lê Bá Ly vốn là người làng Giáp Nhất, sau chuyển sang Giáp Nhị.

Theo truyền thống, Giáp Nhất được coi là “dân đàn anh” trong 9 giáp của làng gốc Thịnh Liệt, có họ Lê đã từng có người được phong quận công lừng lẫy một thời, sau lại có mấy bà chúa ra lập dinh cơ ở Giáp Lục, có công mở mang kiến thiết vùng này, con cháu họ hàng bà chúa ở thôn này vẫn thần thế. Giáp Nhất lại có “ruộng quan” mà những giáp - thôn khác không có. Từ đó phát sinh ra “tư tưởng đàn anh” và tính ngang tàng của một số trai làng.

Lệ làng Giáp Nhất con trai đến 8, 9 tuổi phải nộp tiền lệ vào hàng phe (giáp), hàng năm phải đóng góp việc làng cho đến khi khao lão ở tuổi 50 trở lên. Khác với các giáp – làng khác trong vùng Sét, ở Giáp Nhất ít dân và tuổi thọ không cao.

TS Bùi Xuân Đính

HONGHAI