Xây dựng không phép, “giỡn mặt” tử thần
Đời sống - Ngày đăng : 10:51, 26/09/2011
Rợn người khi chứng kiến công trình không phép
Đã nửa năm nay, bất kỳ ai đi trên tuyến đường 71 chạy qua địa bàn xã Hà Hồi, huyện Thường Tín (đoạn từ quốc lộ 1A (cũ) đến cầu vượt Khê Hồi (đường Pháp Vân- Cầu Giẽ) cũng không khỏi giật mình, “sởn da gà” khi đập vào mắt là ngay ven đường một công trình xây dựng kiên cố có quy mô khá rộng nhưng lại nằm dưới đường điện cao thế; sát ngay trước mặt tiền của công trình là cột điện cao thế đứng sừng sững.
Ông Nguyễn Văn Thắng- một người dân ở xã Hà Hồi cho biết: “Lúc công trình mới xây tầng 1 trông còn đỡ sợ. Nhưng vừa rồi, khi đổ trần tầng 2, chứng kiến cảnh người ta vận chuyển vật liệu thi công ngay dưới đường điện cao áp mà không khỏi “rợn tóc gáy”. Đúng là vì miếng cơm, manh áo” mà người lao động “liều mình như chẳng có”, bởi cảm nhận bằng mắt thường thì khoảng cách từ mặt trần đến dây điện rất gần, bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra tai nạn chết người do phóng điện”.
Công trình xây dựng không phép dưới đường điện cao thế của Công ty cổ phần Lương Gia tại cụm công nghiệp Hà Bình Phương (xã Hà Hồi, Thường Tín) |
Tìm hiểu được biết, công trình trên nằm trong Cụm công nghiệp Hà Bình Phương (địa bàn xã Hà Hồi) của Công ty cổ phần Lương Gia. Theo quyết định số 1736/QĐ- UBND ngày 24-6-2008 của UBND tỉnh Hà Tây, Công ty cổ phần Lương Gia được giao 6.802,1m2 để thực hiện dự án xây dựng trung tâm sửa chữa, bảo hành động cơ ô tô. Thời hạn được thuê đất của Công ty là 50 năm. Tuy nhiên, trong quyết định trên của UBND tỉnh Hà Tây đã ghi rõ: “Giữa lô đất có diện tích 1.011,4m2 đất hành lang lưới điện, quản lý sử dụng theo quy định, Công ty không được xây dựng công trình gây ảnh hưởng”.
Bên cạnh đó, trong quyết định 1736 của UBND tỉnh Hà Tây cũng có ghi: “Trước khi xây dựng phải làm đầy đủ các thủ tục về đầu tư và xây dựng cơ bản, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường theo quy định. Phải xây dựng theo đúng quy hoạch, thiết kế và giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
“Điếc không sợ súng”!
Trao đổi thực trạng bức xúc trên với ông Vũ Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Nam Khải- doanh nghiệp quản lý Cụm công nghiệp Hà Bình Phương (địa bàn xã Hà Hồi), được biết: Trước đây, Công ty được giao đầu tư hạ tầng như: san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông, hệ thống thoát nước… cho cụm công nghiệp. Nhưng hiện tại, Công ty chỉ quản lý đường sá, đảm bảo vệ sinh môi trường chung. Việc quản lý trật tự xây dựng trong cụm công nghiệp do UBND huyện Thường Tín quản lý. Tuy nhiên, ông Hưng tỏ ra khó hiểu trước việc Công ty cổ phần Lương Gia “được” xây dựng công trình nhà xưởng trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.
Bà Nguyễn Thị Xuân Lộc, Phó chánh Thanh tra Xây dựng huyện Thường Tín cho biết, ngày 3-3-2011, Thanh tra Xây dựng huyện đã đến kiểm tra thực tế tình hình xây dựng của Công ty cổ phần Lương Gia trong khu đất được giao tại Cụm công nghiệp Hà Bình Phương. Thời điểm kiểm tra, Công ty này đã xây dựng: nhà bảo vệ (diện tích gần 20m2), nhà gara ô tô (diện tích 246m2); đang tiến hành đào móng các công trình nhà xưởng, khu làm việc, khu dịch vụ (diện tích 4.802m2). Điều đáng nói, một phần móng công trình nhà xưởng, nhà điều hành nằm dưới hành lang an toàn lưới điện cao áp. Tất cả các công trình đã và đang xây dựng của Công ty cổ phần Lương Gia đều chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng theo quy định. Thanh tra Xây dựng huyện Thường Tín đã lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự xây dựng, yêu cầu Công ty ngừng thi công công trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật về đất đai và về cấp phép xây dựng đối với công trình vi phạm trên. Ngày 17-3-2011, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Uông Đức Ngọc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng đối với Công ty cổ phần Lương Gia. Đồng thời, buộc chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật về cấp phép xây dựng và các thủ tục pháp lý liên quan đối với công trình xây dựng vi phạm của Công ty.
Tuy nhiên, kể từ khi bị lập biên bản vi phạm hành chính cho đến nay, mặc dù vẫn chưa có giấy phép xây dựng, nhưng Công ty cổ phần Lương Gia vẫn cố tình cho thi công công trình xây dựng vi phạm. Ngày 22-9, theo ghi nhận của phóng viên Hànộimới Online, trên khu đất của Công ty cổ phần Lương Gia tại Cụm công nghiệp Hà Bình Phương, một tòa nhà 2 tầng đã xây dựng xong phần thô; trên mặt trần tầng 2 các thanh sắt vẫn đua nhau “mọc” lên để chuẩn bị đổ trụ bê tông xây dựng tầng 3. Ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phòng quản lý đô thị huyện Thường Tín khẳng định, đến thời điểm này công trình xây dựng kể trên của của Công ty cổ phần Lương Gia vẫn chưa được cấp giấy phép xây dựng. Trên thực tế, Cụm công nghiệp Hà Bình Phương (địa phận xã Hà Hồi) mới được phê duyệt quy hoạch 1/2.000, vì thế khi xây dựng bất cứ công trình gì đều phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Trở lại vấn đề xây dựng công trình kể trên trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp 110kV Hà Đông- Tía, được biết, Công ty Lưới điện cao thế thành phố Hà Nội (thuộc Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội) đã có biên bản thỏa thuận về xây dựng công trình với Công ty cổ phần Lương Gia. Theo đó, Công ty cổ phần Lương Gia phải đảm bảo khoảng cách an toàn từ dây dẫn gần nhất ở trạng thái võng cực đại đến điểm cao nhất của công trình là 4m. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Lương Gia “không sử dụng làm gara sửa chữa hoặc để ô tô và những nguyên vật liệu có khả năng gây cháy nổ trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp 110kV. Chỉ được sử dụng làm nhà văn phòng, nhà ăn, ở”.
Công trình vẫn đang sẵn sàng để lên thêm tầng nữa |
Qua tìm hiểu được biết, bản thỏa thuận trên được ký kết vào giữa tháng 6-2011, tức là khi đó Công ty cổ phần Lương Gia đang tiến hành xây dựng công trình tòa nhà 2 tầng. Để làm rõ dựa trên cơ sở pháp lý nào mà lãnh đạo Công ty lưới điện cao thế thành phố Hà Nội có biên bản thỏa thuận trên, chúng tôi đã điện thoại đặt lịch làm việc nhưng ông Hoàng Đăng Ninh, Phó giám đốc Công ty (người ký biên bản) cáo bận công tác, không tiếp được. Tuy nhiên, tại biên bản thỏa thuận kể trên có nêu tình trạng kỹ thuật của đường dây dẫn điện cao áp 110kV trong khu vực xây dựng công trình của Công ty cổ phần Lương Gia như sau: “… khoảng cách từ dây dẫn điện đến mặt đất 14,5m”. Trong khi đó, theo quy định của Nghị định số 81/2009/NĐ-CP ngày 12-10-2009 của Chính phủ, khoảng cách từ điểm thấp nhất của dây dẫn điện ở trạng thái võng cực đại đến mặt đất đối với cấp điện áp 110kV là 15m.
Những gì đang diễn ra tại công trình xây dựng của Công ty cổ phần Lương Gia trong Cụm công nghiệp Hà Bình Phương gây bức xúc trong dư luận, bởi coi thường kỷ cương, phép nước. Phải chăng số tiền 32 triệu đồng mà Công ty bị phạt theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng của Chủ tịch UBND huyện Thường Tín là quá nhẹ nên Công ty vẫn cố tình xây dựng công trình không có giấy phép? Hay những biện pháp mà cơ quan chức năng huyện Thường Tín áp dụng xử lý trường hợp vi phạm trên chưa đủ mạnh, thiếu quyết liệt nên vi phạm ngày thêm nghiêm trọng? Dư luận đang chờ câu trả lời từ UBND huyện Thường Tín.