Sức mua giảm, lo cho nền kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 07:14, 26/09/2011

(HNM) - Các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế đang mất dần nhịp độ sôi động, đi vào trầm lắng trong những tháng qua, gây ra nhiều hệ lụy về đời sống.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng - một chỉ số quan trọng để đo "sức khỏe" nền kinh tế đang suy giảm là minh chứng thể hiện nhận định trên. Điều đáng lo ngại là cho đến nay chưa xác định được lối ra nào khả dĩ cho việc này trong bối cảnh hiện nay… kinh tế

Sức mua trên thị trường được xem như một chỉ số đo “sức khỏe” của nền kinh tế.
Ảnh: Đàm Duy


Sức mua giảm liên tục

Theo thống kê, trong tháng 1 và 2-2011, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn giữ mức tăng khá, với mức tương ứng 8,9% và 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng đã giảm dần qua các tháng tiếp theo, xuống còn 8,7% trong tháng 3, rồi 7,7%, 6,4%, 5,7%, 4,6% lần lượt trong các tháng tiếp theo. Đặc biệt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng rất thấp, cho thấy sức ì của thị trường và còn thấp hơn cả mức tăng của cùng kỳ năm 2008 - tức là thời điểm nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu suy thoái.

Trên bình diện toàn xã hội, sức cầu đang yếu, góp phần làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh - tức nguồn cung bị giảm xuống theo, đồng thời cũng làm suy giảm động lực của sự tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, do sự cắt giảm một số công trình, dự án, sự "đóng băng" của lĩnh vực bất động sản cũng ngăn cản quá trình lưu thông, tiêu thụ hàng loạt nguyên, vật liệu trên diện rộng. Cũng trong bối cảnh đó, tuy kết quả xuất khẩu vẫn được duy trì khá suôn sẻ từ đầu năm đến nay, nhưng việc kỳ vọng vào sự xuất hiện của một yếu tố mới, thị trường mới mang tính đột phá để DN ta có thể trông vào, đẩy mạnh xuất khẩu thì chưa có. Vì vậy, thị trường trong nước vẫn là nơi để doanh nghiệp (DN) hướng tới mặc dù sức mua đã giảm.

Sản xuất giảm sút, sản phẩm chậm tiêu thụ, gây ra một số hậu quả không nhỏ đối với đời sống xã hội, nhất là vấn đề việc làm và thu nhập cho người lao động. Theo kết quả điều tra từ hơn 4.000 DN sản xuất công nghiệp, chỉ số sử dụng lao động tháng 8-2011 chỉ tăng 0,5% so với tháng trước nhưng giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó lao động khu vực DN nhà nước giảm 7,9%; khu vực DN ngoài nhà nước giảm 2,9% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 1,5%. Trong 3 ngành công nghiệp cấp 1, lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,6%; lao động ngành sản xuất, phân phối điện, ga và nước giảm 6,9%. Như vậy, đời sống dân sinh, sự ổn định xã hội cũng đang bị ảnh hưởng không nhỏ. Các cơ quan quản lý thừa nhận rằng, trong tháng 8 vừa rồi, sản xuất công nghiệp rất khó khăn, xu hướng này được cho là tiếp tục trong thời gian tới.

Giải pháp khắc phục?

Dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2011 sẽ đạt khoảng 5,8-6% so với năm ngoái và điều này sẽ là số liệu đầu vào để các ngành, DN xem xét và ước lượng mức độ hoạt động sản xuất của mình.


Nhiều chiêu thức khuyến mãi, chăm sóc khách hàng được đưa ra, nhưng tại các siêu thị sức mua vẫn giảm.  Ảnh: Đàm Duy

Trước mắt, bài toán đặt ra là làm sao duy trì sản xuất ở mức hợp lý để tồn tại, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đón lõng sự phục hồi của nền kinh tế có thể xuất hiện trong năm tới. Với những ngành sản xuất hàng tiêu dùng, cần tập trung nhân lực vào công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm để mở rộng khả năng khai thác thị trường nông thôn. Trong đó, DN cần lồng ghép việc bán hàng với việc thực hiện nội dung chương trình đưa hàng về nông thôn, nhất là cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Bên cạnh đó, cần áp dụng những chiêu thức khuyến mãi, chăm sóc khách hàng, trợ cước vận chuyển, hạ giá bán sản phẩm hoặc vận dụng những dịp, sự kiện xã hội để giảm giá bán hàng. Động thái này đang được một số đơn vị triển khai, kết hợp với việc đưa hàng về các khu công nghiệp hoặc những khu vực nhiều trường học, đơn vị hành chính, quân đội nhằm tăng doanh số bán.

Các DN thuộc ngành xây dựng được khuyến cáo tập trung tăng tốc xây nhà ở có diện tích trung bình hoặc nhỏ để đáp ứng ngay nhu cầu luôn tiềm ẩn và ở mức cao của xã hội, nhất là đón bắt nhu cầu mua nhà của giới trẻ tại khu vực đô thị. Dự báo, với sự quay lại thị trường của DN đối với phân khúc thị trường này cùng với tác động của chính sách hạ lãi suất cho vay có thể sẽ mang lại một điều kiện thuận lợi hơn cho DN trực tiếp thi công, nhà thầu cũng như qua đó thúc đẩy tốc độ tiêu thụ sản phẩm của DN thuộc ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện tốt nội dung tiết kiệm, đầu tư hợp lý, nhất là khuyến khích DN tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm kết hợp kiểm soát và giảm nhập siêu. Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, đó là những nội dung quan trọng, là mục tiêu trong hoạt động điều hành của Bộ từ nay đến cuối năm. Trong đó, Bộ tiếp tục yêu cầu các ngành, hiệp hội, nhất là DN rà soát, đối chiếu để giảm bớt, tiến tới không nhập khẩu những mặt hàng trong nước đã có thể đáp ứng. Bên cạnh đó, DN cũng được gợi ý tăng cường hợp tác, sẵn sàng chia sẻ với nhau để cùng "phân vai" đảm nhận những hợp đồng lớn hoặc chung tay sản xuất, thu gom và xuất khẩu hàng hóa theo hợp đồng của đối tác nước ngoài.

Thực tế cũng cho thấy, hiện có nhiều dự án, công trình công nghiệp trải dài trên phạm vi toàn quốc, do các nhà thầu trong và ngoài nước đảm nhận. Vì vậy, đã đến lúc kêu gọi và kết hợp có biện pháp quản lý, yêu cầu nhà thầu cũng như các bên liên quan triệt để sử dụng máy móc, thiết bị, nguyên, vật liệu trong nước đã có thể đáp ứng quá trình triển khai dự án. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng quy định của Nhà nước để nhập khẩu thiết bị, dây chuyền của nước ngoài, bởi điều đó đồng nghĩa với việc mất cơ hội tiêu thụ sản phẩm của DN nội, giảm số lượng việc làm, tiêu phí ngoại tệ và tăng nhập siêu của xã hội…

Hồng Sơn