Afghanistan: Lỗ hổng an ninh khó khỏa lấp

Thế giới - Ngày đăng : 07:09, 26/09/2011

(HNM) - Tối 20-9, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình tối cao của Afghanistan đồng thời là cựu Tổng thống nước này, ông Burhanuddin Rabbani đã bị ám sát trong một vụ đánh bom tại nhà riêng của ông ở thủ đô Kabul.

Đây là vụ tấn công thứ hai trong vòng một tuần qua nhằm vào khu ngoại giao được bảo đảm an ninh nghiêm ngặt này ở Kabul, sau vụ đánh bom và phóng tên lửa vào Đại sứ quán Mỹ và trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 13-9, làm 15 người thiệt mạng. Đáng lo ngại là, cái chết của chính trị gia lão luyện 71 tuổi này sẽ làm chệch hướng tiến trình đàm phán hòa bình và hòa hợp dân tộc còn lắm chông gai ở Afghanistan.

Từng là tổng thống của một chính phủ liên minh yếu ớt năm 1992 sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, ông B.Rabbani buộc phải ra đi năm 1996, với sự trỗi dậy của phe Taliban. Sau đó nhà chính trị này đã trở thành người đứng đầu Liên minh miền Bắc - một tổ chức đã cùng với các lực lượng quốc tế lật đổ phe Taliban khỏi quyền lực năm 2001. Tháng 10-2010, ông được đương kim Tổng thống Hamid Karzai bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu Hội đồng Hòa bình tối cao (gồm 70 thành viên) với nhiệm vụ tiến hành đối thoại với phiến quân Taliban và các nhóm nổi dậy khác. Song các lực lượng này nhiều lần bác bỏ Hội đồng Hòa bình tối cao và yêu cầu rút các lực lượng vũ trang nước ngoài khỏi Afghanistan.

Tuy nhiên, cái chết của ông B.Rabbani đã giáng một đòn nặng nề vào những nỗ lực còn non trẻ của cơ quan này, đồng thời cho thấy bất chấp sự hiện diện của Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) suốt một thập kỷ qua, tình hình an ninh của Afghanistan vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng và bạo lực đang có những dấu hiệu gia tăng trong những tháng gần đây. Cách thức tiến hành vụ ám sát cho thấy, để qua mặt lực lượng an ninh nước này không phải là điều quá khó. Taliban đã lập ra một nhóm phần tử Hồi giáo với danh nghĩa là những đại diện cấp cao

của tổ chức này đến gặp Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Afghanistan B.Rabbani để trao đổi về lộ trình hòa bình nhằm kết thúc cuộc chiến. Nhân vật thường xuyên tiếp xúc với cựu Tổng thống B.Rabbani chính là kẻ được giao nhiệm vụ ám sát. Chỉ cần giấu chất nổ trong khăn đội đầu, khi cựu Tổng thống B.Rabbani tiến đến gần, tên này đã kích hoạt khối thuốc nổ.

Trong tuyên bố thừa nhận trách nhiệm tiến hành vụ ám sát ông B.Rabbani, nhóm tàn quân Taliban còn cảnh báo sẽ triển khai nhiều vụ tấn công tương tự. Đây là một thách thức mới đối với các quốc gia đang tham gia quá trình tái thiết tại quốc gia bất ổn nhất ở khu vực Nam Á này. Vì dù muốn dù không, những điều xảy ra trong tương lai của Afghanistan sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước Mỹ và các đồng minh. Nếu Chính phủ Afghanistan có thể tự đứng vững, Mỹ coi như trút được một gánh nặng đã đeo bám suốt một thập kỷ qua. Nếu đất nước Nam Á này lại rơi vào vòng xoáy bạo lực và chiến tranh, thành quả của cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động sẽ bị hạ thấp.

Phương Quỳnh