Cuộc phục kích Tangi
Hồ sơ - Ngày đăng : 07:07, 26/09/2011
Đây được xem là thảm họa với quân đội Mỹ khi đánh dấu sự mất mát lớn nhất về nhân mạng kể từ thời điểm Mỹ và lực lượng NATO tiến hành cuộc chiến lật đổ Taliban năm 2001. Thế nhưng, "tai nạn" này còn được bao phủ bởi nhiều nghi vấn khi có tới 24 người trong số 30 lính Mỹ tử nạn là thành viên SEAL Team Six, nhóm đã thực hiện chiến dịch đặc biệt tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tại Pakistan hồi tháng 5.
Theo thông tin được NATO đưa ra, ngày 20-9, nhận được tin tức cho biết Tahir và đồng bọn đang có mặt tại huyện Sayd Abad, thuộc tỉnh miền Trung Wardak, máy bay Mỹ lập tức được lệnh xuất phát. Sau đó không lâu tin tốt báo về, cuộc không kích thành công khi tên chỉ huy cao cấp này của Taliban cùng một tay chân đã bỏ mạng trong một lòng sông cạn ở Sayd Abad.
Được xem là thủ lĩnh của Taliban tại thung lũng Tangi, Tahir chịu trách nhiệm điều phối các vụ tấn công, phục kích nhằm vào lực lượng Afghanistan cũng như chỉ huy những tay súng dưới quyền thực hiện các hành động giữ xe cộ, bắt cóc con tin để đòi tiền chuộc. Do đó, từ lâu Tahir là một trong những phần tử bị quân đội Mỹ và NATO xác định phải tiêu diệt. Nắm được ý định đó, Tahir đã dàn dựng một âm mưu gây tổn thất cho Washington mà trong đó hắn sử dụng chính mình làm mồi nhử. Kế hoạch bắt đầu khi Tahir chỉ đạo tung tin Taliban sẽ có một cuộc họp quan trọng giữa các chỉ huy chiến trường tại Sayd Abad vào ngày 5-8 và hắn chắc chắn sẽ tham dự. Đương nhiên, liên quân không bỏ qua cơ hội này. Biệt kích Mỹ lập tức lên đường với sự hỗ trợ của 30 lính đặc biệt tinh nhuệ Mỹ trên chiếc trực thăng chở quân đổ bộ nổi tiếng CH-47 Chinook để thực hiện nhiệm vụ. Tất cả đều không biết đang bước vào một chiếc bẫy tinh vi. Biết rõ chỉ có một con đường duy nhất để tới thung lũng Tangi hiểm trở này, Tahir và thuộc hạ đã mai phục ở cả hai bên sườn núi của thung lũng và đợi chiếc CH-47 Chinook xuất hiện. Kết cục, chiếc trực thăng hai cánh quạt đã hứng chịu các hỏa lực tới tấp bằng tên lửa vác vai và một số vũ khí tự động hiện đại khác. Rất khó thoát khỏi ổ phục kích tại một địa hình như vậy, chiếc máy bay đã rơi vì hỏa lực dồn dập từ mọi phía khiến toàn bộ 38 người trên trực thăng thiệt mạng, trong đó có phi hành đoàn và một số phiên dịch.
Vụ việc đã gây chấn động dư luận cả quốc gia Nam Á và Mỹ, vì ngay sau đó Taliban lên tiếng nhận trách nhiệm vụ bắn hạ chiếc máy bay hiện đại nhằm phô trương thanh thế. Những lời đồn thổi nhanh chóng xuất hiện như nhóm tàn quân đã sử dụng loại vũ khí mới hay đây là kế hoạch trả thù hoàn hảo cho thủ lĩnh của Al-Qaeda Osama bin Laden. Áp lực gia tăng với chính quyền của Tổng thống Barack Obama vì trên thực tế Mỹ chưa từng mất một lúc nhiều "Những con sư tử biển" đến vậy. Một cuộc điều tra khẩn trương được tiến hành để rồi phát hiện ra rằng Tahir cùng 4 phần tử khủng bố người Pakistan khác đã trực tiếp thiết kế vụ tấn công. Kế hoạch báo thù cũng được vạch ra chi tiết. Sau đó không lâu, những tên liên quan đến mưu đồ ở thung lũng Tangi đã phải đền mạng trong một cuộc oanh kích của chiến đấu cơ F-16 nhưng Tahir vẫn bóng chim tăm cá. Không bỏ cuộc, những nỗ lực tìm diệt kẻ thù của nước Mỹ được tăng tốc với mạng lưới tình báo giăng khắp nơi để cuối cùng hắn phải nhận kết cục bằng chính mạng sống. Cái chết của Tahir là một thành công quan trọng giúp khẳng định liên quân vẫn đang kiểm soát cuộc chiến dai dẳng với những phần tử cực đoan phá hoại sự ổn định của quốc gia Nam Á.