“Bông hoa” đẹp gửi lại đất nước Chopin
Văn hóa - Ngày đăng : 07:01, 26/09/2011
Họa sĩ Văn Dương Thành và “Chân dung Chopin”. |
Đầu tháng 8, họa sĩ Văn Dương Thành tất bật với triển lãm gồm 35 bức tranh mang chủ đề "Những bông hoa Việt Nam trên đất Chopin" được trưng bày tại Trung tâm Giáo dục Botanical Garden của Học viện Khoa học Ba Lan. Chị đã đem những nét tươi tắn, rực rỡ của đất nước mình và cả vẻ trầm lắng của Hà Nội, nơi nuôi lớn tài năng cho chị, đến phương trời Tây để giới thiệu với mọi người. Và một phần không thể thiếu là những tưởng tượng lãng mạn của chị được thể hiện trong các bức chân dung về F.Chopin. Cuối tháng 8, triển lãm vừa dứt, chị lại khấp khởi cho mấy cuộc thảo luận với những người đứng đầu của Viện Âm nhạc Chopin, Bảo tàng Chopin. Qua sự giám tuyển chặt chẽ, bức tranh sơn mài "Chân dung Chopin" (100x90cm) của chị được họ đồng ý đưa vào bộ sưu tập về "niềm tự hào" âm nhạc Ba Lan. Đối với nữ họa sĩ, đây là sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời sáng tác của chị.
"Viện Bảo tàng Chopin rất vinh dự và vui mừng được đón tiếp tác phẩm quý giá của họa sĩ Văn Dương Thành. Đây là một sự kiện làm giàu thêm cho bộ sưu tập của chúng tôi. Cảm ơn bà về những cống hiến rất giá trị này!", GS.TS Kazimierz Monkiewicz, Giám đốc Viện phát biểu như vậy trong ngày tiếp nhận bức "Chân dung Chopin". Trong năm 2011, ở viện có 3 sự kiện đáng nhớ : một nhà sưu tầm nước ngoài đã tặng bộ thư chưa công bố của Chopin; một nhà sưu tầm Ba Lan tặng bộ hiện vật quý và họa sĩ Văn Dương Thành tặng tranh về Chopin. "Chopin trong bức tranh này có nét mặt dịu dàng, tính cách thư thái, giống như chúng tôi hình dung về ông. Với chất liệu sơn mài phức tạp, sử dụng vỏ trứng gắn và vàng bạc lá, bà đã diễn đạt sâu sắc phong thái và tâm hồn ông", Alicja Knast - Giám đốc giám tuyển của bảo tàng đánh giá.
Dồn dập những sự kiện đáng mừng qua đi, Văn Dương Thành kể về tác phẩm vô cùng lãng mạn này của chị. Chưa bao giờ được thấy hình ảnh hay chân dung của Chopin, chị bảo, mình vẽ bức tranh này bằng xúc cảm của ký ức, của sự thăng hoa trong âm nhạc bác học và những ấn tượng với cảnh sắc nên thơ ở đất nước quê hương ông. Âm nhạc Chopin in dấu trong tâm trí chị từ thuở thơ bé khi được nghe các anh chị chơi bản nhạc buồn "Tritesse" ngoài hiên ngôi nhà nhỏ ở Phú Yên. Những tháng ngày xa gia đình, một mình đơn độc, cũng chính âm nhạc Chopin đã đem đến niềm vui cho chị. Mỗi lần đắm mình trong điệu nhạc du dương, chị lại mường tượng khuôn mặt Chopin, cách ông sáng tác, chơi nhạc... Rồi những hình ảnh về nhà thờ lớn, phố New World trong một lần đến Ba Lan cách đây 20 năm cứ đắp đầy những xúc cảm về đất nước và con người của âm nhạc ấy nơi chị. Chị vẽ, sử dụng chất liệu sơn mài truyền thống Việt Nam trên gỗ - một hình thức thể hiện rất khó. Cách chị đặt tính năng đường viền nổi bật trên nền màu đỏ đậm, xanh lá, cùng các sắc độ khác nhau của vỏ trứng kết hợp với vết rạn tự nhiên khiến người ta tưởng rằng chị vẽ Chopin từ những giai điệu "Serenade". Chopin trông thật dịu dàng, yêu thương và thanh tao. Hẳn những ai từng đến triển lãm "Một thoáng nghìn năm Thăng Long" vào tháng ba năm ngoái tại Hà Nội cũng từng nghĩ thế.
Họa sĩ Văn Dương Thành báo rằng, bức tranh của chị sẽ trưng bày tại Viện Bảo tàng từ ngày 1-12 tới cùng với một triển lãm và hội thảo quốc tế giới thiệu "Chân dung Chopin".