Nguy cơ cạn kiệt nguồn dược liệu quý
Xã hội - Ngày đăng : 06:53, 26/09/2011
Mỏ vàng dược liệu
Theo thống kê của Viện Dược liệu, hiện Việt Nam đã ghi nhận 3.948 loài thực vật và nấm lớn, 52 loài tảo biển, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Kết quả này cho thấy nguồn dược liệu ở nước ta rất phong phú. Trong thực tế, con số nêu trên có thể còn tăng thêm nếu điều tra cụ thể hơn đối với một số nhóm động - thực vật tiềm năng.
Nhân giống cây thuốc vân mộc hương tại Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc (Viện Dược liệu - Bộ Y tế). Ảnh: Đình Na |
Theo Bộ Y tế, từ nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, nhiều loài cây thuốc đã được sử dụng để chiết tách các hoạt chất làm thuốc như Rutin từ hoa hòe, Berberin từ vàng đắng, Vinblanstin và Vincristin từ dừa cạn, Artemisinin từ thanh hao hoa vàng, Methol và tinh dầu từ bạc hà, Beta caroten từ gấc; Đ-strophantin từ hạt quả sừng dê, Shikimic acid từ hồi… Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, các viện nghiên cứu, công ty dược trong cả nước đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất nhiều loại thực phẩm chức năng và thuốc từ dược liệu. Đơn cử như công trình nghiên cứu thuốc Eupolin chữa bỏng từ cây cỏ lào của Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác; điều chế thuốc tiêm Rotundin sulfat từ củ bình vôi của Học viện Quân y; sản xuất viên nang điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt từ trinh nữ hoàng cung của Công ty Dược liệu trung ương II; sản xuất Embin làm thuốc tẩy sán từ loài chua ngút và Ampelop từ chè dây điều trị viêm loét dạ dày - hành tá tràng của Công ty cổ phần Traphaco; sản xuất thuốc tiêm Artesunat làm thuốc sốt rét của Trường Đại học Dược Hà Nội; sản xuất viên nang Uphamorin từ rễ và thân cây nhàu làm thuốc tăng cường hệ miễn dịch của Trường Đại học Y Hà Nội. Ngoài ra là công trình nghiên cứu, sản xuất thuốc nhỏ mũi Agerhinin từ cây ngũ sắc; nghiên cứu thuốc chữa u xơ tuyến tiền liệt từ náng hoa trắng, thuốc hỗ trợ điều trị ung thư từ nấm cổ linh chi; thuốc điều trị thương hàn và lị trực khuẩn Geravina từ lão quan thảo; Abivina từ bồ bồ của Viện Dược liệu…
Trong thời gian qua, đã có hơn 3.000 loại thuốc có nguồn gốc từ dược liệu đã được cấp số đăng ký, chiếm gần 1/3 số thuốc trong nước được cấp số đăng ký. Trong số trên 300 đơn vị sản xuất thuốc đông dược, có nhiều đơn vị phát triển tốt cả về số lượng mặt hàng cũng như chất lượng sản phẩm. Nhiều mặt hàng thuốc đông dược của các cơ sở sản xuất này đã được xuất khẩu, được thị trường nước ngoài chấp nhận.
Cần sự liên kết "4 nhà"
Do nhu cầu sử dụng các loài dược liệu làm thuốc ngày càng tăng, việc khai thác liên tục trong nhiều năm mà không chú ý đầy đủ tới sự tái sinh, cộng thêm nạn phá rừng đã làm cho nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Theo Viện Dược liệu, diện tích đất trồng dược liệu trong cộng đồng hiện đã bị thu hẹp đáng kể, thậm chí một số vùng trồng cây thuốc truyền thống đã không còn nữa. Nhiều cây thuốc Nam như hương nhu tía, đậu ván trắng, ý dĩ, ngải máu, tam thất gừng… đang có xu hướng bị lãng quên. Nhiều giống, loài cây thuốc nước ngoài đã từng được đưa vào sản xuất đại trà ở nước ta, nay trở lại tình trạng phụ thuộc vào nhập khẩu. Điển hình như cây vàng đắng, trong giai đoạn 1980 - 1990 có mức khai thác trung bình từ 1.000 đến 2.500 tấn/năm nhưng đến năm 1991-1995 chỉ còn 200 tấn/năm và từ 1995 đến nay, cơ bản ở Việt Nam không còn vàng đắng để khai thác. Một số cây có nhu cầu sử dụng và giá trị kinh tế cao như ba kích, đảng sâm, các loài hoàng tinh thuộc chi Disporopsis và Polygonatum, bình vôi (Stephania spp.)… vốn khá phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng nay đã bị suy giảm nghiêm trọng, được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam.
Nhà nước đang triển khai nhiều chính sách bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu. Hiện ở Việt Nam đã hình thành được một số vùng trồng dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, trinh nữ hoàng cung, hồi… Tuy vậy, ông Trần Bình Duyên, Công ty CP Dược trung ương Mediplantex cho rằng, để bảo tồn nguồn dược liệu, đồng thời phát triển được các sản phẩm từ dược liệu thì cần giải pháp với sự liên kết "4 nhà": Nhà nước, doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học. Nếu không phân định rõ trách nhiệm, quyền lợi, quyền hạn và cơ chế quản lý liên quan đến "4 nhà" một cách cụ thể thì dược liệu vẫn chỉ dừng lại ở giới hạn tự phát, phân tán, cạnh tranh vô tổ chức, khai thác kiệt quệ từng loài một như đang diễn ra và hậu quả là hằng năm chúng ta vẫn phải nhập hàng chục ngàn tấn dược liệu cho nhu cầu trong nước.