Chuyện đầu năm học

Xã hội - Ngày đăng : 07:36, 25/09/2011

Ngày 5 tháng 9, nó nằm dài ở nhà mặc kệ ngoài đường náo nhiệt. Có lúc, nó định nhỏm dậy ra ban công xem đường phố ngày khai giảng thế nào, nhưng rồi lại thôi. Ngắm mà làm gì! Nó có đi học nữa đâu mà cần quan tâm đến ngày 5 tháng 9? Hôm nay chỉ là một ngày bình thường, nghĩa là ăn, ngủ, chơi. Chẳng có gì khác cả.

Minh họa: Lâm Thao


Một tuần quân sự trôi qua. Hình ảnh lũ bạn đội mũ cối, mặc áo lính, tháo lắp súng, cười đùa rôm rả đôi lúc khiến nó chỉ muốn chạy đến trường. Nhưng rồi lại thôi. Vì đó là quyết định của nó. Nó là con trai duy nhất của ngôi nhà giàu có này, vì sao lại đi đến một quyết định đau lòng đến thế? Nó, một đứa "không biết nghĩ", "sống cho qua ngày" như lời các thầy cô vẫn nói, đã bao lần bỏ nhà đi sau những trận cãi nhau của bố mẹ? Nó đi, vậy mà bố mẹ nó có biết đâu! Họ chỉ biết mỗi tháng đưa cho nó một đống tiền rồi lại lao vào cuộc săn tiền. Vậy nên nó chẳng có động cơ gì để mà học cả. Người ta học không vì vui lòng bố mẹ cũng vì mơ ước tương lai. Nó không có cả hai, vậy thì việc gì phải học?

Và nó nghỉ học.

Ngày 12 tháng 9, ngày học chính khóa đầu tiên của năm học mới. Nó bật máy tính, chơi game, nhưng chỉ được vài phút lại tắt máy. Nó chán quá. Một cái gì bức bối trong lòng mà nó không sao hiểu được. Đêm xuống, nhà vắng tanh. Nó nằm im trong bóng tối, nhớ lại những ngày cuối cùng của năm học trước. Hôm ấy, cô chủ nhiệm bắt gặp nó đang đi xe máy gần trường. Biết nó bỏ tiết, cô chạy xe đuổi theo nhưng nó cố tình chạy trốn. Cô vừa tới gần là nó lại tăng tốc, cuối cùng thì trốn biệt. Chắc cô giận lắm. Nó là học sinh cá biệt đến nỗi cô hiệu phó dù không muốn cũng phải nhớ tên. Nó nghỉ học, chắc họ vui lắm! Màn đêm khô khốc. Cái cảm giác không ai cần mình khiến nó trằn trọc không sao ngủ được.

Vậy mà sáng hôm sau, nó vác sách vở chạy tới trường. Khi vừa đặt chân vào cửa lớp, trái với mọi sự tưởng tượng của nó, cả lớp sôi động hẳn lên. "A! Tuấn đi học lại kìa!". "Hoan hô!". "Mày đến muộn, cô không sắp chỗ ngồi cho mày rồi". "Chả sao, bàn tao một người này, xuống đây đi!", lũ bạn nhao nhao khiến nó mỉm cười. Trống vào tiết 1. Nó thấy lòng mình ấm lại.

Tiết toán. Lớp ồn kinh khủng. Cô đang bực, lại vừa nhìn thấy nó: "Anh Tuấn tôi tưởng nghỉ rồi mà lại đi học à?". Câu nói ấy khiến nó giật mình nhớ lại cảm giác đêm qua. Hóa ra nó nghĩ đúng ư? Các cô không cần một học sinh cá biệt như nó?

Hết tiết 1. Mấy đứa bạn lao ngay ra chỗ nó. "Cô chủ nhiệm tìm ấy nhiều lần lắm, nhưng chẳng lần nào gặp cả". "Đừng để ý lời cô Toán, cô đang cáu đấy thôi. Học một năm, ấy biết tính cô rồi còn gì". Nó nghe cũng có lý. Chợt cả lớp im phắc. "Kiểu này là cô hiệu phó vào rồi", nó nghĩ. Quả nhiên đúng thật. Như mọi khi, tức là như năm ngoái, cô vừa vào là bắt đầu màn kiểm tra quần áo, đầu tóc. Vừa thấy nó, cô nói ngay: "Anh Tuấn sáng mai đến gặp tôi với cô chủ nhiệm. Đây không phải cái chợ mà muốn đến lúc nào thì đến. Đã trốn tuần quân sự rồi lại còn… Cười cái gì?". Nó giật mình, nhận ra mình đang cười thật. Cô quay đi, nhưng lạ thật, hình như cô cười, hay tại nó nhìn nhầm?

"Hồi tập quân sự, cô chủ nhiệm nói cô lo cho mày lắm. Mày đừng nghỉ học, Tuấn nhé!".
"Để xem xem".
"Không xem gì cả. Mày hứa với cả lớp ngay đi, từ mai mày sẽ đi học đều!".
"Tao…".

Bất giác, nó ngẩng lên nhìn. Gần 50 cặp mắt đang nhìn vào chỗ nó. Cả mấy "bà chằn" lớp trưởng, tổ trưởng bao nhiêu lần gào khản cổ vì nó phá phách cũng đang chờ câu trả lời của nó. Cả lớp im lặng, nhưng nó đang nghe thấy rất nhiều câu "Hứa đi!" từ những đôi mắt ấy.

"Tao hứa!".
"Hu-raaaa!!!"- cả phòng học 40 mét vuông muốn nổ tung vì sức công phá của gần 50 cái mồm. Nó ngồi giữa đám bạn đang nhảy nhót đập bàn loạn xạ như vừa mới hóa điên đó, ngẩn ra. Bỗng "bốp", lưng nó đau điếng, quay lại đã thấy thằng bạn cười toe toét: "Đây là hình phạt cho vụ dám hứa cùng đi thi tháo lắp súng với tao mà xù! Lần này mày mà xù nữa thì không chỉ thế thôi đâu!". Người nó nóng rực lên, chẳng rõ vì cú đập đó hay vì vui nữa. Lớp như cái chợ vỡ, đến nỗi đám 11A5 phải chạy sang ngó: "Sao lũ này ồn thế?". Nó bật cười. "Xem ra cô hiệu phó lại sắp sang rồi! Nhưng… kệ!". Nó nhảy lên bục giảng, làm những trò mà nó cũng không biết định nghĩa thế nào cùng mấy thằng bạn "cà tưng" của nó. Hôm nay chưa thấy cô chủ nhiệm, chắc cô bận chưa đến trường. Nhưng nó biết chẳng cần đợi đến sáng mai mới được gặp cô vì tối nay cô sẽ gọi điện đến nhà nó, chắc chắn! Và nó sẽ đợi ở nhà cho đến khi chuông điện thoại reo…

Nó không biết rằng lúc ấy, cô hiệu phó đang đứng ngoài cửa lớp. Cô không vào "dẹp loạn" vì cô thấy nó đang cười.

Từ Vũ Trúc Minh