Chất lượng truyện tranh
Xã hội - Ngày đăng : 07:30, 25/09/2011
Em Nguyễn Thu Hương, lớp 8, Trường THCS Ái Mộ:
- Em thấy ở các hiệu sách luôn bày bán rất nhiều loại truyện tranh từ các truyện nước ngoài cho đến truyện của tác giả Việt Nam. Nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng hay truyện cổ tích, lịch sử, truyện về các danh nhân cũng được chuyển thể sang truyện tranh. So với truyện chữ thì truyện tranh hiện nay hấp dẫn bọn em hơn vì có nhiều hình ảnh đẹp, dễ hiểu, dễ đọc. Nhưng bên cạnh những cuốn truyện hay vẫn còn nhiều cuốn có nội dung không đáng đọc. Khá nhiều truyện tranh nói về những HS "siêu quậy", chuyên tham gia các vụ đánh nhau, bạo lực ở trường, chuyện yêu đương học trò với nhiều hình ảnh không phù hợp với lứa tuổi chúng em…
Em Phạm Hà Linh, lớp 12, Trường THPT Phan Đình Phùng:
- Mới đây, em có đọc bộ truyện tranh "Tý quậy" của NXB Kim Đồng. Giống như bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt, nội dung của truyện rất gần gũi với lứa tuổi HS và "thuần Việt". Tuy nhiên, càng về những tập sau, truyện càng nhàm chán. Hơn nữa, tác giả sử dụng quá nhiều ngôn từ "nóng", có phần dung tục khiến truyện mất đi tính chất trong sáng, trẻ thơ. Các bạn HS thường xưng hô "mày - tao" và thản nhiên gọi thầy cô giáo là "ông - bà", gọi bố mẹ là "ông già - bà già"... Không hiểu những em nhỏ đang tập đọc khi xem những bộ truyện tranh như vậy sẽ bị ảnh hưởng thế nào?
Chị Nguyễn Thị Hằng, phụ huynh học sinh, Hà Nội:
- Với trẻ em, ngoài nhu cầu giải trí, sách còn góp phần trong việc định hướng phát triển tư duy và hoàn thiện nhân cách. Trẻ rất nhạy cảm với những điều đã đọc, đã tiếp thu. Do đó, tôi rất lo ngại khi nhiều lần đi mua sách cùng con, mặc dù đã cẩn thận lựa chọn truyện tranh của những NXB tên tuổi nhưng nội dung của những câu chuyện vẫn khiến người lớn "giật mình".
Trong các gian hàng dành cho thiếu nhi, truyện của nước ngoài thường được trẻ con chọn nhiều nhất. Nhưng không ít bộ truyện tranh mua bản quyền nước ngoài có nội dung bạo lực rất dễ ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ. Nhiều cuốn quá đi sâu vào việc miêu tả những cảnh đấm đá, giết chóc, lạm dụng quá nhiều ngôn từ vô văn hóa, cộc lốc, không lành mạnh. Đọc truyện tranh, các em dễ bị tiêm nhiễm thói vô lễ, bất lịch sự, lời nói thô thiển, hành động thô bạo, thiếu tế nhị, văn minh. Bên cạnh nội dung bạo lực, một số truyện tranh nước ngoài còn có những hình ảnh tình cảm vượt quá giới hạn của tuổi thơ. Dường như, nhiều NXB cũng dễ dãi khi xuất bản những sách có tính chất thị trường, câu khách chứ không quan tâm nhiều lắm đến tác dụng giáo dục hay tính nhân văn của nó. Do đó, các bậc phụ huynh cần định hướng và lựa chọn giúp con trẻ những cuốn sách hay.