Nghề hốt bạc

Xã hội - Ngày đăng : 07:16, 25/09/2011

Vài năm trở lại đây, ven đường 419 đoạn thuộc địa phận thôn Liên Cơ và Ngọc Trục, xã Đại Mỗ (Từ Liêm) xuất hiện nhiều xưởng mộc chuyên

Xưởng mộc tại xã Đại Mỗ (Từ Liêm).


Con đường 419 đoạn chạy qua hai thôn Ngọc Trục, Liên Cơ vừa hẹp, vừa bẩn và khó chịu hơn khi hàng đống cửa cũ xếp tràn ra, tiếng máy cưa, máy bào ầm ĩ suốt ngày. Anh Nguyễn Văn Luận, một chủ xưởng mộc ở Liên Cơ cho biết, cái nghề chẳng giống ai này ở đây xuất hiện khoảng 5-6 năm trở lại đây. Chỉ trên một đoạn đường dài gần 800m có khoảng 70 xưởng mộc chuyên "mông má" đồ gỗ cũ. Xưởng lớn có số lượng lao động lên tới vài ba chục người. Đội ngũ này vừa chịu trách nhiệm đi tháo dỡ nhà cũ, vừa làm nhiệm vụ tân trang trước khi đem bán. Mỗi chủ xưởng đều có một mạng lưới "cộng tác viên" (CTV) rải đều khắp các tỉnh thành, từ Bắc vào Nam. Mỗi khi nơi đâu có công trình cần thanh lý, các "cộng tác viên" này sẽ báo về. Chủ xưởng cho người đi ký hợp đồng tháo dỡ.

Đội ngũ CTV được trả hoa hồng thích đáng tùy theo mối hàng lớn hay nhỏ. Những xưởng lớn, ngoài hoa hồng, ông chủ còn trả lương cho CTV theo tháng. Mỗi khi có thông tin chắc chắn về một địa chỉ thanh lý nhà cũ, chủ xưởng giam tiền đặt cọc, rồi cắt cử người tin cẩn, khỏe mạnh, thạo việc mang ô tô đến tháo dỡ, vận chuyển. Nếu công trình nào lớn, khó phá sẽ thuê thêm dân bản địa. Anh Lại Văn Tuyến, một tay chuyên mua đồ gỗ cũ tại Liên Cơ cho biết, khó nhất của nghề buôn bán đồ mộc cũ là xây dựng được đội ngũ CTV. Trong việc này, các chủ xưởng đặc biệt quan tâm đến lực lượng "cửu vạn". Đây là thành phần có số lượng đông đảo, tầm hoạt động rộng nên có khả năng nắm bắt thông tin rất nhanh. Do vậy, những chủ xưởng chuyên mua nhà thanh lý ngồi ở đâu cũng có thể biết được những nguồn hàng dù cách xa vài trăm cây số.

Để mua những ngôi nhà cũ với giá hời và bảo đảm nhất, các chủ xưởng luôn có một đội ngũ thẩm định đặc biệt, định giá nguồn hàng trước khi đưa ra mức thu mua cuối cùng. Thông thường, những công trình lớn, nhìn thấy được lợi nhuận cao, các chủ xưởng sẽ đích thân đến đàm phán, đấu giá với các chủ xưởng khác để mua hàng. Với nhưng công trình không lớn họ có thể cử người đi thay. Những người đi thẩm định đều có lâu năm trong nghề, hoặc là thợ mộc lão làng, vì thế việc định giá một công trình với họ đều không mấy khó khăn. Các ngôi nhà sẽ được xem xét, đo đếm kỹ lưỡng lượng gỗ và giá trị của từng loại. Thường thì cái giá các chủ xưởng đưa ra bao giờ cũng bằng hoặc thấp hơn phân nửa giá trị thật mà họ tính được từ ngôi nhà. Nhưng cái giá ấy vẫn được chấp nhận.

Với tâm lý muốn nhanh chóng đập bỏ để xây mới nên giá cả không thành vấn đề đối với các chủ sở hữu. Sau khi thỏa thuận giá cả và đưa quân đến đập phá, các sản phẩm từ gỗ như cửa, cột, kèo... được đem về xưởng tại Ngọc Trục, Liên Cơ sơn sửa lại và bán với giá cao gấp 3, gấp 4 lần giá ban đầu. Những đồ gỗ cũ như khuôn cửa, cửa sổ, cửa đi, cửa chính được làm từ lim, nghiến Nghệ An chỉ sau vài đường bào, mấy nhát đục và vài nước sơn lại bóng như đồ mới. Nhiều người xây nhà mới thích mua khuôn, cửa gỗ cũ tân trang vì theo họ đây là những loại gỗ tốt. Gỗ mới bây giờ chủ yếu nhập về từ Lào, châu Phi nên chất lượng không bằng loại gỗ cũ. Chính vì vậy, các ông chủ "luộc" lại đồ gỗ cũ ở Đại Mỗ mới có cơ hốt bạc.

Doanh thu của nghề "luộc" đồ gỗ cũ này tùy thuộc vào thời vụ. Có tháng cả chủ và thợ ngồi uống nước chè, hút thuốc lào vặt, nhưng cũng có tháng họ làm không hết việc. Các chủ xưởng đồ gỗ cũ tại Đại Mỗ cho biết, tháng đỉnh điểm trừ hết chi phí, mỗi xưởng thu được hàng trăm triệu đồng. Tại Liên Cơ, Ngọc Trục nhiều nhà phất lên mua ô tô "xịn", xây biệt thự cũng từ nghề "luộc" lại đồ gỗ cũ như gia đình anh Nguyễn Văn Ánh, Lại Văn Tuyến, Lê Minh Tuyên...

Nguyễn Mai