"Lãnh chúa" thời trang Bernard Arnault
Xã hội - Ngày đăng : 07:07, 25/09/2011
Với giá trị tài sản 41 tỷ USD, Tuần báo Time (Mỹ) từng xác định B. Arnault là một trong những công dân Pháp hiếm hoi có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới; đồng thời là người giàu nhất châu Âu. Ông hiện là Chủ tịch của Công ty tổ hợp Louis Vuitton Moet Hennessy (LVMH), sở hữu rất nhiều thương hiệu mạnh, trong đó không thể không kể đến Louis Vuitton, mỹ phẩm Dior, Bvlgari, Hermes, đồng hồ Tag Heuer, champagne Moet Chandon, cognac Hennessy...
Con đường B.Arnault đến đỉnh cao của ngành công nghiệp quyến rũ này được bắt đầu trên công trường xây dựng lầy lội do công ty kinh doanh bất động sản của gia đình Arnault sở hữu ở Roubaix - thị trấn công nghiệp miền bắc nước Pháp. Đến năm 1985, B. Arnault bắt đầu sự nghiệp thời trang khi dùng 15 triệu USD để mua Hãng Christian Dior. Tiếp đó, năm 1990, sau khi thâu tóm được LVMH, B.Arnault tạo dấu ấn với lối thiết kế sáng tạo, phá cách, trái với hình ảnh già cỗi và vô vị của 20 năm về trước. Ông cho mời nhà thiết kế thời trang người Mỹ Marc Jacobs về làm việc và hợp tác với các họa sĩ đương đại danh tiếng như Takashi Murakami. Họa sĩ người Nhật Bản này đã vẽ lại logo màu nâu nhạt của nhãn hàng Louis Vuitton theo những tông màu sáng với hình ảnh các nhân vật hoạt hình, manga (truyện tranh Nhật Bản). Arnault cũng thuê John Galliano, một nhà thiết kế nổi tiếng về những sáng tạo khác người, để cải tiến hình ảnh của nhãn hàng thời trang Christian Dior.
Để bành trướng LVMH, B.Arnault đã ráo riết thực hiện cuộc thập tự chinh thâu tóm nhiều nhãn hàng khác. Trong suốt những năm 1990, ông đã bỏ ra hàng tỷ USD để mua lại các nhãn hàng thời trang cao cấp như Fendi, Kenzo và Thomas Pink; các nhà sản xuất đồng hồ và trang sức Chaumet, Zenith và TAG Heuer; các chuỗi bán lẻ như DFS và Sephora. Con đường kinh doanh của Bernard đã thực sự tỏa sáng. Ông trở nên giàu có khi nắm nhiều thương hiệu đắt giá nhất thế giới. LVMH trở thành một siêu tập đoàn chuyên thu thập những mác hàng danh tiếng. Tới những năm 2000, tổng cộng các mác hàng thuộc LVHM là vài chục và hiện nay con số này lên tới gần 60. Một đối thủ cạnh tranh của LVMH đã phải thốt lên "Mặt trời không bao giờ lặn trên đất Bernard Arnault". Câu nói ấy không ngoa khi tập đoàn này đã vươn ra khắp châu Âu và lan sang Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và sắp tới đây là Nam Phi. Đối tượng khách hàng của Bernard không chỉ là những triệu phú mà còn là những người tiêu dùng bậc trung bởi hiểu hơn ai hết tâm lý mỗi người đều muốn sắm một trong những mặt hàng của các hãng nổi tiếng, để có được cảm giác hào hoa và sang trọng. B. Arnault rất lạc quan về tương lai của dòng hàng cao cấp. Ông tính rằng tới năm 2012, ba nước Nga, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ sử dụng tới 1/3 lượng hàng cao cấp trên toàn cầu, tương đương với con số 300 tỷ euro.
Một trong những lý do giải thích sự thành công khó tưởng tượng của các thương hiệu thuộc tập đoàn của Bernard ở khắp thế giới là mô hình sáng tạo - quản lý do chính ông đề ra. Ở mỗi thương hiệu là hiện diện song song một nghệ nhân thiết kế và một quản trị viên giỏi. Bên cạnh đó, B.Arnault luôn có những tiểu xảo tài ba trong kinh doanh hàng xa xỉ. Chẳng hạn, Louis Vuitton mỗi năm lại cho ra vài kiểu dáng đặc biệt với số lượng rất hạn chế và bán ra với giá "cắt cổ", như kiểu túi Theda xuất hiện năm 2004 chỉ có thể mua với giá 5.500 USD tại một cửa hàng duy nhất nằm trên phố 5 Avenue ở New-York. Tham vọng, tài năng và cả tầm lãnh đạo khéo léo đã đưa B. Arnault leo lên đỉnh cao của giàu sang và quyền lực trong giới thời trang. Khi thế giới chìm trong cơn khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất, người tiêu dùng không thể quan tâm nhiều đến sở thích thời trang của họ. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là, dù những người bán hàng trên đại lộ Fifth Avenue, Mỹ buộc phải hạ giá sản phẩm và thu hẹp kinh doanh thì khách hàng ở Bắc Kinh lại xếp thành từng hàng dài để có được chiếc túi xách Louis Vuitton hay Dior mới nhất.