Sòng phẳng
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:50, 25/09/2011
Chung quy cũng tại vì các bên "liên quan" đều chưa sòng phẳng. Đơn vị kinh doanh chưa minh bạch, thiếu trung thực khiến cho giá xăng dầu cứ tù mù, chẳng mấy khi sáng rõ. Cơ quan quản lý lại luôn tỏ ra lúng túng khiến người dân có cảm giác còn điều gì đó thiếu, còn đâu đó những khoảng mờ.
Thiếu sòng phẳng ở chỗ, trong lúc liên tục điệp khúc báo lỗ để đòi tăng giá thì trong bản cáo bạch để chuẩn bị cho việc lên sàn chứng khoán, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lại khẳng định lãi tới gần 900 tỷ đồng trong năm nay. Chưa hết, mấy ngày qua lại có thông tin một công ty mà Petrolimex nắm 80% cổ phần đang giấu lãi. Lãi như thế nào, vì sao họ giấu, có vi phạm quy định của pháp luật hay không chưa bàn đến. Nhưng rõ ràng thông tin này như thêm một lời khẳng định cho sự thiếu minh bạch, thiếu trung thực của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Hơn một tháng trước, tại kỳ họp Quốc hội, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã khẳng định trước công luận, sẽ kiểm soát kỹ chi phí giá thành của các doanh nghiệp đang kinh doanh những mặt hàng nhạy cảm, sẽ minh bạch hóa giá xăng dầu. Ba ngày trước, tại một cuộc hội thảo "nảy lửa", Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: Hơn mười năm làm ở Kiểm toán Nhà nước, tôi đã biết rất rõ các doanh nghiệp xăng dầu.
Cái "biết rõ" của vị Bộ trưởng có lẽ cũng là điều mà nhiều người dân đã biết. Cũng chính vì thế mà gần đây, dư luận liên tục đòi hỏi giá xăng dầu cần được minh bạch hóa. Nhưng hơn cả sự minh bạch, đó là đã đến lúc cần nhấn mạnh đến hai chữ sòng phẳng. Minh bạch mới là một chiều, còn sòng phẳng là sự đòi hỏi đa chiều, vừa là trách nhiệm nhưng cũng là nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh với khách hàng, với Nhà nước. Sòng phẳng như chính lời của Bộ trưởng Vương Đình Huệ rằng: Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì rút lui. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước.
Dĩ nhiên sẽ chẳng có doanh nghiệp nào rút lui cả, vì họ không sòng phẳng được như thế, với kiểu kinh doanh thiếu trung thực.
Trong bối cảnh nền kinh tế bị khủng hoảng tài chính tác động nhiều mặt, Chính phủ đang nỗ lực để kiềm chế lạm phát, giữ ổn định giá, giảm khó khăn cho người dân thì việc doanh nghiệp phớt lờ cộng đồng, tìm mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận cho riêng mình là điều không thể chấp nhận. Vì vậy, bây giờ chính là lúc phải tiến hành cuộc "đại phẫu" ngành xăng dầu. Như có thông tin nhiều doanh nghiệp đã nói muốn rời bỏ thị trường xăng dầu vì thua lỗ. Nói vậy là ép Nhà nước, nhưng doanh nghiệp nào muốn bỏ thì có thể sẽ được bỏ sau khi đã "chơi" sòng phẳng với Nhà nước và nhân dân về những gì mình đã làm, sẽ có doanh nghiệp khác làm thay… Không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, mà phải vì hơn 80 triệu dân. Đó chính là sự sòng phẳng cần thiết lúc này.